Nhưng rồi cả đêm lão nghĩ ngợi. Nghĩ lung lắm. Đắn đo giữa danh và
lợi, giữa bổng lộc và niêu cơm hàng ngày, giữa phẩm giá kẻ sĩ và sự thực
dụng tầm thường… Suốt hai đêm lão mất ngủ. Lão mơ thấy thầy lão về.
Thầy lão nối nghiệp ông nội làm hương sư ở làng. Ông cụ mặc áo the, quần
trúc bâu, đi guốc mộc, cầm chiếc quạt giấy phết nhựa sung, chỉ mặt lão,
giọng uất nghẹn: “ Giấy rách phải giữ lấy lề. Thầy buồn vì anh lắm. Kho
tàng phi vật thể tiếu lâm dân gian vùng Cổ Hến thì có thể đệ trình lên
UNESCO được, chứ cái điệu hò “Giã gạo” thì có gì đáng bảo tồn. Kẻ sỹ
như anh mà ham a dua, tung hô những thứ phản văn hóa, háo danh, vào hùa
với những kẻ dốt nát, cơ hội, tham nhũng… thì quốc nhục, dân khổ…” Rồi
thầy phẩy chiếc quạt, bỏ đi.
Đã chục năm nay lão Từ không mơ thấy ông cụ. Báo mộng thế này là
thầy lão đau lắm.
Chỉ hai đêm mà tóc lão Từ bạc xóa, râu đâm tua tủa.
Như đi guốc trong bụng chồng, vợ lão dường như đoán được giấc mơ
của lão.
Vợ lão Từ là một người đặc biệt. Không nói chuyện bà từng là hoa khôi
lớp văn K.12 trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày trước, mà hãy nói
chuyện bây giờ. Bà kém lão bốn tuổi, nghỉ hưu ba năm rồi, nhưng hầu như
chưa chịu qua tuổi mãn kinh. Đàn bà như thế là rất hiếm. Nhiều đêm bà
làm tình làm tội lão đến khổ. Lão Từ lấy cớ làm việc trí óc, nghiên cứu
khoa học…, mất khả năng sinh lý, xin bà tha. Vợ lão Từ thương tình, coi
như lão xin “hưu”, xếp cho lão ngủ riêng. Ngủ riêng, nhưng bà biết hết. Hai
đêm vừa rồi bà rình lão ở đầu giường, xem trong lúc ú ớ lão có nói tên cô
Bích cô Hường nào không? Có phát rồ phát dại vì gái trẻ nào không?
Bà nói với lão Từ:
- Ông xin nghỉ hưu đi. Đừng nghe trẻ xui bốc cứt gà. Về mà dưỡng cái
thân già cho nó thanh thản.
Ơ cái bà này, hay nhể? Trẻ nào xui tôi bốc cứt gà? Người ta giáo sư tiến
sĩ, bằng cấp đầy người chứ còn trẻ dại gì? Lão Từ định cãi vợ, nhưng lại