dục đã có hệ thống các trường đại học, phổ thông, viện X không đến lượt.
Phản biện thì không ai dám… Vậy nó tồn tại để làm gì nhỉ? Có trời mà biết
được. Khối người đã kiến nghị với cấp trên xóa sổ nó đi cho đỡ tốn kinh
phí. Nhảm. Xóa thế đếch nào được. Thử động vào coi?
Ban đầu lão Từ đi phăm phăm. Lão nhớ ra mình còn có một hòm thư lưu
ở hành lang. Có thể lão có sách tặng, có thư mời họp…
- Ông cần gặp ai?
Một giọng lạnh và sắc, khiến lão giật bắn người.
- Đồng chí không biết tôi à? - Lão Từ nhìn anh nhân viên bảo vệ, cố nhớ
xem đã gặp anh ta lần nào - Tôi… làm việc trên tầng hai kia mà…
Gã bảo vệ mới, mắt to trắng dã, cằm bạnh, mặt thâm như đồ tể, nhìn lão
từ đầu xuống chân. Hình như gã đang thầm nhận xét lão: Một lão già gàn
dở, kệch cỡm, nhố nhăng. Quần áo bệnh viện, mũ phớt, giày ba ta, gậy gỗ
chẳng ra ba-toong, chẳng ra thiền trượng…
- Ông tâm thần rồi… Không nhìn thấy tấm biển cơ quan vàng chóe ngoài
cổng à? Đây là Viện X, chứ không phải bệnh viện, càng không phải là cơ
quan từ thiện nhà ông đâu nhá…
Lão Từ thấy đắng chát trong cổ họng. Bị đuổi ngay trước cổng cơ quan
mình. Cái cơ quan mà mới mấy tháng trước lão còn uy quyền nghiêng thiên
hạ, có lẽ chỉ dưới ông viện trưởng. Chữ ký của lão để lấy về sáu tỷ đồng
cho dự án “Kho tàng phi vật thể tiếu lâm dân gian vùng Cổ Hến” vẫn còn
tươi rói trong kia. Thế mới đau chứ!
Lão Từ bỗng nghĩ đến cái thuyết chính danh của đức Khổng Tử bên Tàu.
Tiếm quyền để mà làm vua thì không chính danh. Không ai bầu mà tự coi
mình là thủ lĩnh thì không chính danh. Lừa bịp, biển lận để làm lãnh đạo thì
không chính danh. Quá qui định của tuổi sinh học mà vẫn tham quyền cố vị
là không chính danh. Về hưu rồi mà vẫn muốn đến cơ quan làm việc là
không chính danh… Không chính danh thì đến một người gác cổng cũng
đuổi được lão ra ngoài. Lão Từ có thể nhờ ông viện trưởng ăn gian được ba