đắt tiền của Đạt, đụng vào cái ngón tay đeo những chiếc nhẫn mặt đá óng
ánh của vợ con Đạt. Rồi kẹo bánh, chè, thuốc lá được phân phát khắp lượt.
Các ông bà già thì được một thanh bánh khảo, một góc bánh dẻo. Trẻ con
nhai kẹo gôm, kẹo nu-ga. Riêng cánh trai đinh họ Vũ thì thỏa sức phì phèo
thuốc lá Bông Sen đầu lọc.
Tôi ngồi một góc lặng lẽ quan sát từng cử chỉ của Vũ Đạt và càng không
thể chắp nối lại được cái hình ảnh một ông Vũ Đạt phương phi đường bệ
cưỡi xe riêng về ăn giỗ họ bây giờ và cái thằng "Đạt sáu ngón" ngày xưa.
Hơn hai mươi năm trước. Ngày ấy Đạt học lớp tám, còn tôi đang học lớp
mười. Trong đám con trai họ Vũ, thằng Đạt là một đứa học giỏi, năm lớp 7,
nó đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi toán của huyện, được vào thẳng cấp ba.
Tôi học trên nó hai lớp, lại từng là học sinh tiên tiến nhiều năm nên Đạt nể
tôi lắm. Nó thường đến chơi với tôi, nhờ tôi giảng cho những bài toán khó.
Tôi quý nó vì sự thông minh và cầu tiến. Một lần Đạt đến nhà tôi với bàn
tay sáu ngón bọc băng trắng và bộ mặt buồn thảm đến đau đớn. "Tay mày
làm sao?" - Tôi hỏi. "Tay em bị nhọt đầu đinh". - Đạt lúng túng trả lời và cố
giấu bàn tay về phía sau. "Đầu đinh hả? Nguy hiểm lắm. Bỏ tao xem". -
Nói mãi mà Đạt không chịu giở cuộn băng. Tôi phải cáu ầm lên, nó mới
chịu. Khi lớp vải sô được mở ra, tóc tôi như dựng ngược cả lên: cái ngón
tay thừa thứ sáu của Đạt bầm tím sưng mọng như một quả chuối hột. Ở chỗ
tiếp giáp với bàn tay, một sợi dây cước thít chặt, hai đầu dây còn rủ lòng
thòng. "Mày làm gì thế này? Điên à". Thằng Đạt gục vào vai tôi, hộc lên
những tiếng khóc ồ ồ như một con vật vừa bị chọc tiết.
- Em không học nữa đâu anh ạ. Em sẽ xung phong đi bộ đội. Chỉ sợ khi
khám tuyển người ta không nhận em vì cái ngón thứ sáu này nên em quyết
định làm cho nó rụng.
- Mày phải đến bệnh viện ngay. Nhiễm trùng thì chỉ có chết.
- Không sao đàu anh! Chỉ rức buốt một chút thôi. Mấy hôm nữa là nó sẽ
rụng. - Đạt vừa băng lại tay vừa nhìn tôi cầu khẩn - Nhưng mà liệu người ta
có cho em đi bộ đội không anh? Ông em, bố em đều là địa chủ...