Đó là một vùng đồi núi nằm khuất nẻo trong dải núi cánh cung vùng
Đông - Bắc. Nếu không có chiến tranh, có lẽ, mãi mãi nó sẽ là một nơi khỉ
ho cò gáy. Ngày giặc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, nơi
đây bỗng nhiên nằm trong tầm mắt của các nhà quân sự. Ba tiểu đoàn công
binh cơ giới cùng hàng nghìn thanh niên xung phong hỏa tuyến được điều
gấp về đây. Một sân bay dã chiến được khẩn trương xây dựng.
Nhà văn Minh Quang có mặt cùng với những người lính công binh đầu
tiên. Hồi ấy anh vẫn còn trẻ, mới hơn ba mươi tuổi. Anh ăn ngủ cùng bộ
đội, cùng thanh niên xung phong, cùng lao động và sinh hoạt với họ. Tư
liệu cho cuốn tiểu thuyết "Nơi ta cất cánh" đặc kín bốn cuốn sổ tay.
Những ý tưởng về cuốn tiểu thuyết chỉ thực sự được bắt đầu khi anh gặp
nhân vật hình mẫu của mình. Nàng là thanh niên xung phong, một cô gái
nông thôn đoan trang và mơ mộng.
Thắm, tên nàng, gợi một cái gì đó dân dã và trữ tình, khiến anh liên
tưởng đến một chiều quê tháng mười vàng rực, một buổi hội làng với nón
thúng quai thao và tiếng hát trao duyên ngân dài theo những bờ đê óng
mềm sắc cỏ. Anh bị Thắm chinh phục ngay từ lần gặp đầu tiên. Đúng hơn
là chiến công của nàng chinh phục anh. Anh choáng váng và sửng sốt. Một
cô gái hai mươi tuổi, nhỏ nhắn và mảnh dẻ, chỉ nặng có bốn mươi nhăm
kilôgam, mà vác nổi một tảng đá nặng hơn năm mươi kilô chạy phăm phăm
hàng trăm mét. Anh là người duy nhất trong đội ngũ các nhà văn nhà báo
có mặt trên công trường sân bay dã chiến thu được hình ảnh Thắm vào ống
kính chiếc máy Zenhít của mình. Ơ-rê-ca! Anh thầm reo lên cái câu của
Ác-si-mét, và ngay đêm ấy, tại căn nhà lợp giấy dầu của đội thanh niên
xung phong, anh đã viết ngay một bài báo về chiến công của Thắm gửi về
Hà Nội. Cũng chính đêm ấy, đề cương cuốn tiểu thuyết "Nơi ta cất cánh"
được phác thảo.
Sau này, càng tiếp xúc với Thắm anh càng phát hiện ra ở nàng những
phẩm chất siêu phàm. Trong ba lô của nàng có đầy đủ một bộ sách giáo
khoa phổ thông lớp mười, lớp cuối cấp phổ thông trung học thời ấy. Thì ra