của mình trở thành nữ anh hùng, được nhà nước cử đi học ở nước bạn để
làm hạt giống quý cho tương lai.
"Nơi ta cất cánh" ra đời, lập tức trở thành một hiện tượng văn học.
Nhưng chính cái lúc tác phẩm của anh gần như trở thành sách mẫu, được
đặc cách đưa gấp vào chương trình học trong nhà trường, thì trong thâm
tâm anh dần nhận ra sự hời hợt và giả tạo của mình. Cái chết của Thắm như
một ám ảnh. Nó đè nặng lên anh đến nỗi trong mấy năm liền anh không thể
viết được một cái gì.
Cũng trong thời gian ấy, cái làng quê đồng chiêm của anh liên tiếp mất
mùa. Hợp tác xã lên quy mô toàn xã nhưng ngày công lao động không
được nửa cân thóc. Vợ anh xơ xác như một bà già. Các con anh có tháng
phải ăn khoai trừ bữa đi học. Lên thăm lại sân bay dã chiến, được những
người bạn ở đó gợi ý, anh quyết định đưa cả vợ con lên vùng đất ấy.
Căn nhà của vợ con anh nằm cách xa nơi Thắm nghỉ một triền đồi. Nàng
chính là một phần của quá khứ còn trống vắng trên trang viết của anh. Dẫu
chưa bù đắp lại được bằng bút mực, thì sự có mặt hàng tháng, hàng năm
của anh bên cạnh nàng cũng giúp tâm hồn anh thanh thản ít nhiều.
* *
Thấm thoát đã ngót hai mươi năm. Nhà văn Minh Quang bây giờ tóc đã
pha sương. Ở tuổi này, với một sự nghiệp như thế, lẽ ra ông có thể yên tâm
với chính mình. Nhưng cái nghiệp văn chương vẫn cứ đeo đẳng ông đến
khốn khổ. Ông nhận ra rằng, toàn bộ sự nghiệp của ông dường như vẫn
chưa có gì. Ông mới chỉ đụng đến cái khoảnh khắc mà chưa vươn tới được
cái vĩnh cửu.
Đã bao đêm ông tự giày vò mình. Ông điểm lại toàn bộ những tác phẩm
từng nổi tiếng của mình và cảm thấy rằng sao chúng nông cạn và hời hợt,
thậm chí chúng hết sức vô bổ trong cái kho tàng tinh thần mà các thế hệ cha
ông đã truyền lại.
Ông quyết định viết một cuốn sách của đời mình, viết bằng sự sám hối
với chính mình.