Ông xin về nghỉ trước tuổi hưu và tình nguyện là người đầu tiên không
lấy phụ cấp sáng tác của Hội Nhà văn. Hãy thử sống bằng nhuận bút. Nếu
không viết được thì trồng cây, nuôi gà, chăn lợn. Có người bảo ông hâm và
ngang, nhưng ông lặng thinh. Văn chương xưa nay đâu có nuôi nổi ai.
Phàm đã cầm bút thì cố mà viết lấy một cái gì để đời.
Trả lại căn phòng mười mét vuông ở tầng năm khu tập thể, nhà văn Minh
Quang thu xếp hành lý về ở hẳn Che Dưa Trang - tên cái trang trại toàn chè
và dứa của vợ con ông mà các bạn văn chương thường gọi đùa trong các
bữa rượu, lâu ngày thành quen. Nơi ấy bây giờ lại trở nên heo hút, bởi từ
ngày hòa bình, sân bay dã chiến không hoạt động nữa. Dân sơ tán, dân đi
kinh tế mới cũng lục tục về xuôi hết. Chỉ còn thưa thớt dăm bảy nóc nhà,
người Kinh lẫn với người La Chí, Sán Dìu.
Một buổi chiều, không hiểu sao ông lại đi tha thẩn đến vạt đồi có ngôi
mộ Thắm. Ông đi như một người mộng du, chân bước lâng châng trên từng
vạt cỏ. Ôi, hoa tầm xuân. Hoa tầm xuân nở trắng dọc đường mòn thưa dấu
chân người. Trong cuốn sổ tay của ông vẫn còn giữ bông hoa tầm xuân
ngày ấy. Tưởng như mới hôm qua thôi, Thắm vừa ngắt ở vạt đồi kia lén ép
vào những trang viết của ông.
Sắp đến chỗ ngôi mộ, ông bỗng đứng sững lại. Ai? Người con gái kia là
ai? Cũng một mái tóc dài, một tấm lưng ong như Thắm. Hay là Thắm?
Thực hay mơ đây? Chẳng lẽ oan hồn của Thắm vẫn còn lẩn quất? Những
câu hỏi vụt lên trong óc ông. Ông bấm vào tay mình. Không, ông vẫn hoàn
toàn tỉnh táo.
Ông rón chân trên vạt cỏ, với ý định quyết giáp mặt người con gái xem
cô ta là ai. Nhưng hình như người con gái đã nhận ra tiếng chân ông. Cô
quay ngoắt lại.
- Trời ơi. Thắm! Chính là em đấy ư? - Ông thốt kêu lên. Toàn thân ông
bủn rủn. Ông muốn chạy lại phía nàng, đưa tay về phía nàng, nhưng dường
như thần kinh ông đã bị tê liệt. Ông đứng sững trong một cảm giác đầy
kinh dị.