đại chiếc bánh vào miệng nhai ngồm ngoàm. Mang tâm trạng như thế và Tâm thấy mình như quả bóng đỏ
được bơm đầy khí đá, có cột một sợi dây dài trong tay chú bé. Một phút nào đó chú bé sơ hở để quả bóng
vuột khỏi tay, quả bóng lên cao, lên cao... Tâm cầu mong sao cho quả bóng cứ như thế mãi, đừng vỡ ra tan
tành giữa khoảng trời xanh lồng lộng. Chú mập đã bơm cho Tâm một hơi dài hy vọng. Trong đầu Tâm bây
giờ lan man đủ thứ hình ảnh của một chú bé tay xách cặp bước chân nhẹ nhàng đến lớp học, qua cửa tường
vôi trắng, qua sân sạn rạo rạo nên tiếng nhạc vui. Vào lớp thằng bé ngồi chăm chú, đôi mắt nhìn vào bảng
đen theo dõi cục phấn chạy lộp cộp, rít khe khẽ, tiếng nhạc đáng yêu thương ngày học trò bắt gặp. Ôi tiếng
nhạc tạo trong đầu chú bé một vài mộng nhỏ cho năm sau bước lên lớp khác... và những năm sau nữa. Ý nghĩ
trong đầu Tâm giờ này cũng không kém phần ngộ nghĩnh: Không hiểu chú mập ăn cái gì vào bụng mà cái
bụng chú không có một con sâu nào lúc nhúc bên trong, cái bụng chú tốt ghê!
Niềm vui đến bất ngờ làm cho Tâm không muốn nghĩ đến đi chơi chỗ này qua chỗ kia nữa. Tâm muốn công
việc ở đây xong ngay để được về Sài Gòn đi học... Nhưng ít ra cũng còn hai tuần nữa mới xong công việc!
Hai tuần chi mà dài lê thê...
Ăn xong, chú mập dẫn Tâm ra bãi trước. Buổi chiều đã xuống hết, bóng tối nhá nhem chạy dài mênh mông.
Tâm để ý ở đây người Việt rất ít, phần đông là người ngoại quốc. Họ ngồi dọc theo những cái quán nhỏ dài
ven biển. Ở nơi đó bóng tối mờ mờ không thấy rõ những người ở bên trong. Nhưng những ông Mỹ to lớn
ngồi bên ngoài trên những chiếc ghế cao lêu khêu, Tâm dễ nhận. Một vài ông trắng coi còn đỡ. Những ông
đen sao mà thấy ớn quá! Tóc quăn lại như bị cháy, tay chân đen chi mà đen thủi đen thui. Tâm nghĩ nếu như
ban đêm đi đâu đó một mình, gặp mấy ông Mỹ đen này thù lù đi tới chắc Tâm phải chạy dài quá. Tâm không
hiểu sao mấy đứa con nít bằng tuổi Tâm ở đây vẫn thường chạy theo họ xin thuốc, xin đồ hộp. Nhiều đứa bị
họ lấy đồ hộp chọi bể đầu cũng không tởn. Thiệt là ghét! Nếu như Tâm không có ai nuôi, cũng chả thèm
chạy theo ngửa tay xin như vậy! Thà đói chết thôi!
Phía xa cạnh bờ biển, một ngôi nhà thật lớn nằm trước sườn núi. Những ngọn đèn sáng rực hắt xuống biển
cho ánh sáng muôn màu. Ngôi nhà của ai mà lớn vậy nhỉ? Tâm hỏi:
- Nhà gì mà lớn quá vậy chú?
Chú mập nhìn theo tay chỉ của Tâm:
- Dinh ông Thượng đó. Dinh này là nơi ngày xưa giam vua Thành Thái. Sau vua Bảo Đại chiếm cứ làm nhà
nghỉ mát mỗi khi đặt chân ra đây. Nhưng bây giờ thì mấy ông lớn ở Sàigòn ra đây câu cá nghỉ xả hơi.
Tâm chép miệng:
- Dinh này giống như một cung điện vua thời cổ.
Ngồi xuống với chú mập trên bãi cát mịn, Tâm bốc những nắm cát cho chảy xuống lòng bàn tay. Tâm nhớ
một lần chú mập dẫn đi xem một cuốn phim ngoại quốc vĩ đại dành cho tuổi thơ. Cuốn phim màu, ca nhạc kể
về cuộc đời chú bé Ô-li-vơ. Sau khi vãn hát, Tâm cứ hối tiếc hoài, phải chi cuốn phim dài thêm một chút nữa.
Lần đó chú mập hỏi:
- Nhỏ ơi, mày thấy hay hông?
- Hay lắm.
- Phim ngoại quốc như vậy đó! Người ta nghĩ đến tuổi thơ thật nhiều. Tạo ra những phim có giá trị thiết thực
để tuổi thơ tiêm nhiễm vào đầu óc non dại những điều tốt. Sau này lớn lên sẽ thành một người có ích cho xã
hội, dù không làm được những việc trọng đại, nhưng ít ra cũng không phải làm con sâu mọt.
Không hiểu hết những lời của chú mập nói, nhưng Tâm cũng bắt gặp được một vài điều mình chưa biết. Tâm
hỏi:
- Còn phim của người mình sao hở chú?
- Mình hả? Của mình, người ta chạy đua nhau làm phim cho người lớn coi không hà. Chưa có ai nghĩ đến
tuổi thơ và từ trước đến nay chưa có một cuốn phim nào dành riêng cho tuổi thơ hết. Họ nghĩ đến vấn đề hốt
bạc nhiều hơn là làm một cuốn phim có giá trị!
- Vậy có mình bà chủ ở đây mở đầu loại phim này hở chú?
- Ừ!
- Chứ bộ bà chủ không sợ lỗ vốn sao?
- Cái chuyện làm ăn lỗ lã ai không sợ mậy?! Nhưng với những người tha thiết với tuổi thơ họ nghĩ khác. Họ
muốn dựa vào những cuốn phim mà họ thực hiện, nói lên những khốn đốn của một số tuổi nhỏ ở những miền
quê xa xôi, những tuổi nhỏ ở thành phố lang thang đầu đường xó chợ, sống bằng nghề không đúng với số