rồi làm gì để sống, nó lặp lại câu hỏi đầu:
- Anh đi làm đâu về vậy? Có xa đây lắm không?
Thằng Hạo hỏi vồn vã, đôi mắt nó nhìn Tâm phục lăn ra.
Tâm nghe vui vui nói:
- Anh làm cho một hãng phim, nhưng bây giờ thì ...
Tâm muốn nói bây giờ thì thất nghiệp rồi, nhưng sao Tâm thấy ríu ríu ở đầu lưỡi và bỏ lửng câu nói.
Con nhỏ Loan hằng đêm thường bồng em đi coi ké ti vi nhà hàng xóm. Đứng ngoài cửa sổ nhìn vào những
tuồng cải lương, những vở kịch, nó thấy người ta diễn sao mà hay chi lạ. Con nhỏ Loan mơ ước lớn lên sẽ
làm cái nghề đó! Mọi người nhìn nó với đôi mắt phục lăn ra. Có những buổi trưa cả nhà ngủ ngon, Loan bỏ
ra sau hè, con bé cố nhớ lại điệu bộ của một vài cô ca sĩ hát trên ti vi và làm theo. Nhỏ Loan thường nhìn
quanh quất xem có ai thấy mình không? Ai mà thấy chắt con bé quê chết được ... Bây giờ nghe anh nói làm
hãng phim, con nhỏ Loan tròn xoe đôi mắt thán phục:
- Người ta có đem anh lên chiếu ở ti vi không?
- Không, chỗ anh làm người ta chỉ đem chiếu ngoài rạp hát lớn thôi.
- Anh có mặt ở trong phim đó không?
- Không!
- Vậy chứ anh làm gì ở hãng phim?
- Người ta sai cái gì, anh làm cái đó.
Hạo và con nhỏ Loan bu quanh Tâm hỏi đủ thứ chuyện, dưới mắt chúng, Tâm là một người hiểu biết nhiều.
Không hiểu biết nhiều sao được, trong khi Tâm kể những nơi chốn mà chúng chưa bao giờ đặt chân tới được
như Nha Trang, Vũng Tàu ... Thí dụ Tâm có kể xạo đi nữa, chúng vẫn khoái nghe như thường. Tâm không
quên kể chuyện con nhỏ Ly Ly dễ thương, chú mập tốt bụng, ông quản lý thấy ghét, thằng Phi khinh người.
Mải mê kể cho đến khi thiếm của Tâm đi khui hụi về. Tâm quên hết khuôn mặt của bà đăm đăm ganh ghét,
Tâm quên luôn những lời xỉa xói của thiếm ngày nào. Đứng ngang bực cửa, Tâm nói nhỏ:
- Thưa thiếm, con mới về.
Một thoáng nhìn Tâm, bà bỏ đi thẳng ra phía sau nhà. Lặng người, Tâm đứng chôn chân, người mệt mỏi dựa
vào thành cửa. Thiếm còn ghét mình như vậy sao? Còn chú? Dù gì đi nữa chú cũng thương Tâm. Những
ngày còn nhỏ, Tâm thường cầm quyển vần đọc ê a: "Mất cha còn chú, mất mẹ bám vú dì!". Ngày lớn khôn,
gia đình Tâm chết trọn, nhà cửa bị lửa, đạn làm tan nát! Tâm lạc loài một mình. Nhưng Tâm còn chú.
Đến trưa, chú đi làm về, mấy đứa em chạy ào ra mừng. Chúng đem khoe những gì Tâm cho. Tâm muốn chạy
lại như mấy đứa em ôm chầm lấy chú, nhưng sao Tâm vẫn đứng xa yên lặng.
Ngang chỗ Tâm đứng, chú đưa mắt nhìn. Tâm thấy sự ngạc nhiên đầy trong mắt chú, giọng chú khô ran:
- Về hồi nào đó mậy?
- Dạ con mới về khi sáng chú!
- Tao tưởng mày chết đâu rồi chứ?
Câu nói của chú thật thản nhiên, Tâm nghe như hai bàn tay lạnh ngâm xuống thau nước đá tê buốt.
Tâm ngẩng đầu lên, đôi mắt sáng vương buồn:
- Thưa chú con đi làm.
Chú cười cười như không tin lời nói của Tâm. Ông bước vào nhà quăng cái nón đang đội ở đầu xuống
giường, quay lại nhìn Tâm:
- Mày thì nghề ngỗng gì mà người ta mướn. Có đi lang thang đầu đường xó chợ làm những nghề mất dạy
như bao đứa trẻ khác đầy dẫy ở những đường phố lớn. Người ta có mướn đi làm đi nữa, cũng mướn những
đứa khôn ngoan, chứ ngu đần như mày ai mướn?
- Con làm ở một hãng phim.
- Vậy mấy tháng nay mày chui rúc ở chỗ nào?
- Dạ con ở luôn tại hãng.
Những lời của chú hỏi và những lời Tâm đáp gần giống như kẻ xa lạ nào Tâm gặp trên đường qua loa vài câu
chuyện nhạt nhẽo rồi thôi. Tâm muốn nói thật nhiều với chú như người con ngồi thủ thỉ bên người cha, như
người cha thích nghe giọng bé bỏng, vụng dại của đứa con. Tâm muốn nói với chú, Tâm không chui rúc
trong một xó xỉnh nào, Tâm không chết bờ, chết bụi, không lang thang đầu đường xó chợ, Tâm khác xa
những đứa trẻ mà chú thường gặp: đứng ngoắc ngoắc những người ngoại quốc dẫn mối chỉ đường gì đó ...