Tâm, Ly Ly xoay qua ông đạo diễn:
- Chứ bộ anh Tâm này thế Phi, vai chánh cho cuốn phim sắp sửa quay hở chú?
- Mẫu người của chú bé này thực hơn Phi.
Ông đạo diễn kể cho mọi người nghe đại ý của cốt truyện phóng tác theo cuốn truyện dài của tuổi thơ. Câu
chuyện của những đứa bé không may sống lây lất bên những vỉa hè, trong những ngõ hẹp tối tăm nỗi buồn
của chúng là nỗi buồn chung của tuổI thơ hôm nay mà những người có trách nhiệm đã quên. Ông tự tin cuốn
phim này sẽ vượt xa hơn cuốn phim đã quay. Một mẫu người và khuôn mặt như Tâm, sẽ làm cho cuốn phim
sống động, thực hơn. Ông sẽ dành mỗi chiều một vài giờ để chỉ dẫn Tâm ở bước đầu.
Đưa mắt nhìn lên bức vách ở phòng khách, đôi mắt Tâm dán chặt vào một khung ảnh lớn: Ly Ly đang cúi
xuống, mái tóc phủ che một bên, môi đang mím mím như đang giận dỗi điều gì. Cũng tấm hình này Tâm
chụp cho Ly Ly trên đồi cát, bức hình đẹp và dễ thương như thế, vậy mà hôm đó Ly Ly bảo chụp gì kỳ, lúc
người ta cười không chụp, đợi cái mặt xí méo xẹo lại chụp, Tâm muốn hỏi Ly Ly sao lúc trước bảo kỳ, bây
giờ lại đem chưng lớn ở giữa phòng khách, nhưng nó dị làm sao đó. Trước mặt Tâm còn có những người lớn,
chắc họ phải khó chịu vì những chuyện vặt vụn không đâu của con nít.
Ông đạo diễn trước khi ra về, ông mỉm cười nói với Tâm:
- Nghề nào cũng cao quý hết. Không có sự phân biệt nghề nào xấu, nghề nào tốt. Muốn cho nghề mình tốt,
trước tiên phải đủ can đảm chịu nhiều tủi nhục để học hỏi. Thường muốn được kinh nghiệm quý báo thì phải
đổi với một giá rất đắt. Anh mong chú bé đừng nản chí trong công việc mới khó khăn này.
Tiếng dạ của Tâm lí nhí trong miệng. Cúi gầm mặt xuống đất, khi ngẩng đầu lên thi ông đạo diễn đã khuất
ngoài cánh cửa chính.
Chú mập nãy giờ ngồi yên, ông đạo diễn vừa bước ra ngoài, chú đã chồm người sang bên cạnh Tâm cười hề
hề:
- Nhỏ ơi, như thế là mày đã trở thành một tài tử tí hon rồi đó. Mơ ước đã được phân nửa rồi, bây giờ ráng cố
gắng mà đi.
Tâm cười:
- Đó là tôi cũng nhờ chú hết.
- Mày nhờ tao cái gì đâu? Có nhờ cô bé Ly Ly thì có.
Tâm nhìn sang Ly Ly. Con nhỏ sửa lại mái tóc:
- Ông đạo diễn ổng chọn anh chứ Ly Ly mắc mớ gì trong đó. Hôm trước ông đạo diễn cầm mấy tấm hình của
anh chụp mà Ly rửa đem về, ông đạo diễn hỏi ông thợ chụp hình nào chụp tự nhiên và dễ thương quá vậy. Ly
nói anh, ổng chả biết. Sau nói đến thằng nhỏ sai vặt ở phim trường, ổng mới chợt à lên một tiếng. Không biết
nghĩ sao, ổng kêu anh đóng phim đó chứ.
Ly Ly nói làm Tâm nghe vui vui và mát rượi như đang ngồi trong một rạp hát có máy lạnh. Tâm lan man
nghĩ đến cuốn phim sắp tới có mặt Tâm. Khi cuốn phim hoàn thành, mấy ngàn người ngồi trong bóng tối yên
lặng thưởng thức tài diễn xuất của Tâm trên màn ảnh. Tâm sẽ mời chú thiếm và mấy em đi xem. Con nhỏ
Loan, thằng Hạo sẽ thấy anh nó hách không chê được. Chú thiếm sẽ không bảo Tâm ngu đần, chả làm được
tích sự gì! Biết đâu chú thiếm sẽ thương Tâm hơn những ngày trước. Nếu làm được công việc mới này,
người ta sẽ trả cho Tâm một số tiền khá lớn, hơn số tiền trả cho thằng sai vặt Tâm lúc trước. Với số tiền kiếm
được Tâm sẽ đem về cho chú một ít, giúp đỡ chú cơn túng bấn hiện thời. Ừ, còn Tâm nữa chứ! Tâm sẽ sắm
sửa và dành một số giờ rảnh trong việc làm, đến trường ngồi học lại. Thầy cô và bạn bè, bảng đen và phấn
trắng, ngôi trường đồ sộ và những con đường ngập bóng mát hiền hòa. Bước chân Tâm sẽ vui đùa hằng ngày
trên những con đường thân ái đó. Mới nghĩ đến điều này thôi, Tâm tưởng như mình đã có tất cả những ước
mơ trong tay, lòng rộn vui khôn tả, miệng cứ chúm chím cười hoài.
Ngồi nhìn thằng nhỏ khuôn mặt đầy dẫy niềm vui, chú mập vui theo nói:
- Gì mà cười hoài vậy nhỏ?
Tâm rộn rã:
- Mai mốt tôi sẽ xin đi học lại chú.
- Ừ, để bữa nào rảnh, tao sẽ đưa mày đến trường xin học.
Ly Ly chen vào:
- Đầu niên học xin vào không khó.
Tâm chợt nhớ tấm hình đang treo trên tường, cũng nhờ khuôn mặt hờn dỗi của Ly Ly, làm cho ông đạo diễn