Nụ cười của Ly Ly như hoa hồng nhiều cánh nở khắp đường phố, từ những con đường nhỏ vắng người đến
những đường phố lớn đông người. Những tấm bích chương quảng cáo được in nhiều màu tuyệt đẹp dán cùng
khắp bờ tường, trên gốc cây. Tên của Ly Ly được kẻ thật lớn nổi bật hơn những cái tên khác cùng in trên tấm
bích chương như: ông đạo diễn, thằng Hoàng Phi, cô bé Thu Oanh ... Đôi mắt Ly Ly trong tấm bích chương
tròn xoe, đen nhánh như hai hột nhãn, hàng lông mi cong vút. Nụ cười vừa đủ để hở chiếc răng khểnh trong
thật dễ thương. Bên dưới một tấm hình khác: Ly Ly đang đi trên một đồi cát, tóc phất phới theo gió, dấu chân
dài hẳn lên từng lõm nhỏ. Đang tần ngần đứng nhìn tấm bích chương, nhìn kỹ một chút, Tâm bỗng chợt kêu
nhỏ trong miệng. Tâm nhớ tấm hình bên dưới mình đã chụp cho Ly Ly ở bãi sau hôm đi chơi biển. Không
hiểu sao người ta lại lấy in vào tấm bích chương quảng cáo này?! Tâm thấy vui vui và phục mình hết sức.
Tình cờ mà Tâm chụp được một tấm hình thiệt là hay.
Kéo lại túi xách cho ngay ngắn trên vai, Tâm lửng thửng đi dọc vỉa hè đường, đôi mắt không rời những tấm
bích chương quảng cáo có bóng của Ly Ly. Ngang một rạp hát lớn của thành phố, Tâm dừng lại. Hình của Ly
Ly được vẽ thật lớn phía bên ngoài như chào mừng tất cả mọi người đến xem phim. Tâm có cảm tưởng đôi
mắt Ly Ly đang nhìn mình chăm chăm và nụ cười hình như chỉ cười cho mỗi mình Tâm mà thôi.
Người ta sắp hàng dài để mua cho được vé hát, hầu hết họ đi chung cả gia đình. Từ gia đình này đến gia đình
khác đứng bàn tán đủ thứ chuyện về cuốn phim. Khuôn mặt ai ai cũng có vẻ hài lòng. Tâm nghĩ: Nếu Ly Ly
được đứng như mình ở đây giờ phút này sẽ thấy bao nhiêu công trình của Ly đóng góp vào cuốn phim không
uổng. Mặc dù cuốn phim Tâm đã biết từ đầu đến cuối, nhưng Tâm muốn bước vào mua một vé như bao đứa
trẻ khác. Ngồi khoan khái tĩnh mịch trong bóng tối để thưởng thức tài nghệ và vui theo một Ly Ly khác trên
màn ảnh.
Tâm say sưa nhìn những tấm ảnh của cuốn phim được ghim vào một cái khung trên chỗ bán vé. Bỗng một
bàn tay vỗ nhẹ vào vai Tâm. Quay lại, Tâm buột miệng kêu:
- A! ... Chú mập.
Chú Bảy mập phục phịch trong bộ đồ lớn, đôi mắt chú mở tròn khi nhìn thấy Tâm mang cái túi xách ở vai,
nói:
- Mấy tuần nay mày đi đâu vậy nhỏ? Làm tao đi kiếm mày muốn chết!
Tâm cảm động khi nghe chú mập nói như vậy. Chỉ có chú mập thương và nhớ đến nó thôi. Còn ngoài ra
không một ai thèm biết đến thằng nhỏ sai vặt ở phim trường, có nó hay không cũng không cần thiết. Bỏ cái
xách xuống đất, Tâm hỏi:
- Chú kiếm tôi làm chi? Ông quản lý không cho tôi làm ở phim trường nữa! Hôm nay tôi định đi kiếm chú
xem có việc gì làm nhờ chú dẫn tôi đi với.
- Ông quản lý đuổi mày tao biết rồi! Mày khỏi phải lo thất nghiệp. Ông quản lý là cái thớ gì mà lối quá vậy.
Chứ bộ người ta làm cho ổng, ổng muốn đuổi giờ nào thì đuổi sao. Ông ấy tối ngày chỉ lo đếm tiền và hò hét
không hà, chớ ông đâu biết thiện chí và công việc của mày nhỏ.
Tâm mừng rỡ:
- Vậy có chỗ nào làm mới, chú chỉ tôi làm với chú?
- Hỏng có chỗ nào mới để làm hết á. Ông đạo diễn và bà chủ sai tao đi kiếm mày mấy ngày nay mệt ứ người
luôn. Đi ... đi, mày về nhà bà chủ xem có chuyện gì mà họ cần tìm mày quá vậy?!
Tâm chưa kịp hỏi câu nào, chú mập đã cúi xuống lấy cái túi xách của Tâm, một tay nắm lấy tay Tâm lôi bước
ra đường. Chiếc xe của hãng phim đậu trước cửa rạp hát. Mở cửa chú quăng cái xách nhỏ vào và đẩy Tâm
lên. Tâm mỉm cười khi nghĩ đến trong phim có một cảnh chú mập bắt cóc con nhỏ Ly Ly. Chú mập cũng
diễn ra một pha bắt cóc với mình. Trong phim, chú mập có một bộ mặt dữ như Trương Phi, còn ở đây, bộ
mặt của chú hiền ơi là hiền, có một chút gì thương yêu lẫn bên trong. Ngả lưng vào nệm xe, Tâm nhìn chú
mập bên tay lái:
- Chuyện gì mà chú kéo tôi đi gấp quá vậy?
- Hỏng gấp sao được nhỏ? Mấy hôm nay tao đi kiếm chỗ này, chỗ kia tùm lum. Mỏi chân, mỏi mắt, mỏi
miệng. Xe hao xăng, bảo sao tao không nắm mày về liền?!
Tâm cười như nắc nẻ sau câu nói tếu tếu của chú mập. Một lát sau xe qua nhiều đường phố, Tâm làm bộ mặt
tỉnh rót:
- Chú làm tôi hỏng hiểu gì hết trơn hà!
- Tao cũng đâu hiểu gì? Ông đạo diễn và bà chủ bảo sao thì tao làm vậy, cũng như mày chứ có gì hơn đâu!