Mọi thường dân trong vương triều, giàu có hay nghèo khổ, bất kể xuất
thân đều có thể gia nhập bộ sậu quan chức và trở thành một Huyện lệnh
bằng cách vượt qua các kỳ thi văn chương. Về phương diện này, hệ thống
của Trung Hoa khá dân chủ, cùng thời điểm châu Âu vẫn còn nằm dưới ách
cai trị phong kiến.
Một nhiệm kỳ của Huyện lệnh thường kéo dài ba năm. Sau đó ông ta
được thuyên chuyển tới một huyện khác, trước khi được thăng chức lên tri
phủ vào một thời điểm thích hợp. Sự đề bạt là có chọn lọc, chỉ dựa trên
thành tích thực tế. Những người tài năng khiêm tốn thường đảm nhận mãi
chức Huyện lệnh trong phần lớn cuộc đời họ.
Khi thực hiện nhiệm vụ công, Huyện lệnh nhận được sự trợ giúp từ bộ
máy nhân sự thường trực của nha phủ như Bộ khoái, Lục sự, Ngỗ tác, quản
ngục, lính canh và sai nha. Tuy nhiên, những người đó được giao những
nhiệm vụ thông thường, họ không liên quan đến việc phát hiện ra các tội
ác.
Nhiệm vụ ấy được chính Huyện lệnh thực hiện, với sự trợ giúp của ba
hoặc bốn trợ thủ tín cẩn. Ông ta tự chọn những người này từ khi mới bắt
đầu sự nghiệp và họ sẽ theo tháp tùng ông ta ở bất cứ vị trí chức quan nào.
Những trợ thủ này được đặc cách cao hơn các quan viên khác của nha phủ.
Họ không có mối liên hệ trong địa phương, do đó khả năng công vụ của họ
ít chịu tác động của các mối quan hệ cá nhân. Cũng vì lý do đó mà có một
nguyên tắc bất di bất dịch là không một quan viên nào được bổ nhiệm làm
Huyện lệnh ở bản quán.
Cuốn tiểu thuyết này đưa ra một cái nhìn chung nhất về quy trình thủ
tục ở các nha phủ Trung Hoa cổ đại. Khi nha phủ đang trong phiên thăng
đường, quan án ngồi phía sau bàn xử án, trợ thủ của ông ta và các Lục sự
đứng bên cạnh. Bàn xử án là một cái bàn cao được phủ một miếng vải đỏ ở
phía trước, nó rủ xuống tận sàn có bục đắp nổi.