— Bạn nói có lý. Tôi sẽ đưa bạn đến tận lâu đài, dĩ nhiên là đến tận cửa,
cũng như tôi làm một cuộc dạo mát vậy.
— Bạn sẽ cùng vào với tôi. Tôi muốn nói với Nhà vua.
D'Artagnan nói với một vẻ kiêu hãnh thật sự và thẳng thắn:
— Nào? Nào? Còn xấu hơn chính mình đi ăn mày nữa? Người khác ăn
mày cho mình. Thôi, đi đi rồi sẽ thấy cuộc dạo mát thật là thú vị. Nhân tiện,
tôi muốn chỉ cho bạn thấy ngôi nhà của ông Monck đã cho tôi về ở: Một
ngôi nhà thật đẹp, tôi nói thật! Làm một ông tướng của nước Anh được
nhiều lợi lộc hơn là một ông thống chế ở nước Pháp, bạn có biết không?
Athos để D'Artagnan đưa đi, buồn bã trước bề ngoài vui vẻ của ông.
Cả thành phố tràn ngập niềm vui, hai người bạn luôn luôn đụng đầu với
những kẻ đầy phấn khởi đến mức cuồng nhiệt yêu cầu hai người cùng la to
với họ: “Hoan hô vua Charles!” D'Artagnan đáp lại bằng một tiếng gầm gừ,
và Athos thì bằng một nụ cười. Cứ thế, họ đi đến trước ngôi nhà của ông
Monck, trên đường đến lâu đài Saint James như chúng tôi đã nói.
Trên đường đi, Athos và D'Artagnan rất ít nói chuyện với nhau, chính vì
họ có quá nhiều điều để nói với nhau. Athos nghĩ rằng, nếu gợi chuyện, ông
sẽ có vẻ như chứng tỏ sự vui mừng của mình, điều này có thể làm tổn
thương tới D'Artagnan. Về phần D'Artagnan, ông sợ rằng những lời nói của
mình sẽ để lộ ra một vẻ chua chát gây khó chịu cho Athos. Thật là một
cuộc đua im lặng kỳ dị giữa sự bằng lòng và sự bực bội, D'Artagnan là kẻ
đầu tiên phải nhượng bộ sự ngứa ngáy thèm muốn nói chuyện.
Ông nói:
— Athos, bạn có nhớ một đoạn văn trong quyển hồi ký của
trong đó có một kẻ giúp việc trung thành, cũng dân Gascon
như tôi, nghèo như tôi, và có thể nói cũng can đảm như tôi, kể lại những
chuyện hà tiện của vua Henri IV không? Sao mà tất cả những ông vua
thuộc dòng dõi Henri vĩ đại đều giống nhau đến thế!
— Ô! ồ! D'Artagnan - Athos nói. - những ông vua của nước Pháp mà hà
tiện sao? Bạn thân mến, bạn điên rồi.