thấy đấy: “Tôi bằng lòng phê chuẩn bản hiệp ước do nhân dân Paris đề
nghị”.
Anne bị tiến tới rồi không thể lùi, đành phải ký. Nhưng vừa ký xong, thì
lòng kiêu hãnh nổ ra ở bà như một cơn giông tố, và bà bưng mặt khóc nức
nở. Nhìn những giọt nước mắt ấy, D'Artagnan rùng mình. Ngay từ thời ấy
các Bà Hoàng khóc lóc như những người đàn bà tầm thường.
Chàng Gascogne lắc đầu. Những giọt lệ vương hầu ấy thiếu đốt lòng
anh. Anh quỳ xuống và nói:
— Xin Lệnh Bà hãy nhìn gã quý tộc khốn khổ đang quỳ dưới chân
Người, hắn xin Người hãy tin rằng chỉ một cử chỉ của Lệnh Bà thôi là hắn
có thể làm tất cả để vui lòng Người! Hắn tự tin ở mình, hắn tin ở bè bạn,
hắn cũng muốn tin ở Nữ Hoàng của mình và chứng cớ là hắn không sợ hãi
gì hết, hắn không lợi dụng gì hết, hắn sẽ dẫn ngài Mazarin trở về với Hoàng
Thượng không điều kiện gì hết. Đây, thưa Lệnh Bà, đây là những chữ ký
thiêng liêng của Hoàng Thượng, nếu như Lệnh Bà thấy cần phải đưa cho
tôi thì Lệnh Bà sẽ làm. Nhưng từ giờ phút này trở đi, những chữ ký ấy
không ràng buộc gì Lệnh Bà nữa.
Và D'Artagnan vẫn quỳ, với cái nhìn rừng rực niềm kiêu hãnh và lòng
táo tợn nam nhi, anh đưa lại cho Anne D'Autriche cả mớ giấy tờ mà anh
mất bao công sức mới giành giật được từng tờ một.
Nếu như ở trên đời này tất cả không phải đều tốt, và tất cả không phải
đều xấu, thì có những lúc trong những trái tim khô cằn và lạnh giá nhất,
nhờ được tưới bằng những giọt lệ của một nỗi xúc động cao độ sẽ nảy mầm
một tình cảm khoan dung hào hiệp, mà sự tính toán và lòng kiêu ngạo sẽ
bóp nghẹt ngay, nếu một tình cảm khác không chiếm lấy nó ngay khi mới
ra đời.
Anne đang ở trong một lúc như thế, D'Artagnan nhượng bộ trước nỗi xúc
động của bản thân mình, hòa nhịp với nỗi xúc động của Hoàng Hậu, anh đã
hoàn tất công trình của một thuật ngoại giao sâu sắc. Anh lập tức được đền
bù về tài khéo léo hoặc lòng tận tụy của mình, tùy theo người ta muốn làm
vinh dự cho trí não hoặc con tim anh về cái động cơ nó khiến anh hành
động.