mình đối với cái bóng lẫy lừng của vị Bá Tước De La Fère quang vinh mà
chúng ta đã yêu mến xiết bao.
Planchet gật đầu mà không nói một lời, người ta dễ dàng nhận rõ anh
đang chia sẻ những nỗi lo âu của ông chủ.
— Thế rồi, - D'Artagnan lại nói, - sự suy sụp vì Athos bây giờ già rồi,
cảnh túng quẫn, có lẽ thế vì ông ta lơ là với chút ít của cải vốn có.
— Và cái tên của nợ Grimaud câm lặng hơn bao giờ hết và say bí tỷ hơn
cả chủ mình… này, Planchet ơi, tất cả những điều ấy xé nát lòng tôi.
— Tôi thấy dường như mình đã đến nơi, - Planchet nói với giọng thương
cảm, - và tôi trông thấy ông ấy kia kìa miệng thì lắp bắp, đi thì chân nam đá
chân chiêu.
— Tôi phải thú nhận rằng, - D'Artagnan nói, - tôi chỉ sợ Athos nhận lời
tôi trong một lúc say cuồng chiến. Nếu vậy đối với Porthos và tôi sẽ là một
tai họa lớn và nhất là một điều rắc rối thật sự; nhưng ngay trong cơn bí tỷ
đầu tiên của ông ấy, chúng ta sẽ từ giã, thế là xong. Lúc nào tỉnh, ông ấy sẽ
hiểu ra.
— Thưa ông dù sao, - Planchet nói, - chúng ta cũng sẽ hiểu rõ tình hình
ngay bây giờ đây. Những bức tường cao vút kia rực đỏ ánh mặt trời tà chắc
hẳn là tường của thị trấn Blois.
— Chắc thế, - D'Artagnan đáp, - và những ngọn tháp nhọn hoắt chạm trổ
thấp thoáng ở trong rừng phía bên trái kia giống như những cái tôi nghe tả
về lâu đài Chambord.
— Chúng ta sẽ vào trong thị trấn chứ? - Planchet hỏi.
— Dĩ nhiên, để hỏi thăm.
— Ông này, nếu chúng ta vào đó, tôi khuyên là ta nên nếm thử vài cốc
kem mà tôi đã nghe nói đến rất nhiều nhưng khốn thay người ta lại không
thể mang lên Paris được, mà phải ăn ngay tại chỗ.
— Cứ yên tâm, ta sẽ làm một chầu, - D'Artagnan đáp.
Vừa lúc ấy một cỗ xe loại nặng thắng mấy con bò chở gỗ đốn tại những
cánh rừng tươi tốt của vùng này đưa đến cửa sông Lois từ một con đường
nhỏ đầy vết bánh xe đi ra đường cái mà hai kỵ sĩ đang đi. Một người đàn
ông đi theo cầm một cây sào cắm đinh ở đầu dùng để thúc lũ bò chậm chạp.