NGŨ LUÂN THƯ - Trang 15

Thời nay, khi học và hành đạo của binh pháp hãy luôn nghĩ đến cái đắc
dụng của nó. Trong bất cứ thời điểm nào, tình trạng ra sao đều thấu được
điểm đắc dụng, đó mới là đạo chân chính của binh pháp.

Đạo của binh pháp

Tại Trung Quốc và Nhật Bản, những người thực hành binh pháp thường
được gọi là binh pháp gia. Võ sĩ phải học cách thực hành binh pháp.

Thời nay, có nhiều người được thiên hạ tôn xưng như là những binh pháp
gia nhưng đa số bọn họ chỉ là những kiếm sĩ kiếm sống bằng dạy kiếm
thuật căn bản. Các tăng lữ tại các đền Kashima (Lộc Đảo) và Katori
(Hương Thủ) thuộc nước Hitachi (Thường Lục), đã tiếp được chỉ giáo của
các vị thần và lập ra những trường phái dựa trên những lời giáo huấn đó.
Họ đi từ miền này qua xứ khác để giáo hóa con người. Đó là những chuyện
gần đây.

Thời xưa, binh pháp được liệt vào thập nghệ và thất kỹ. Các binh pháp gia
luôn phát dương cái lợi và tính thực dụng của nó. Nó quả là một nghệ thuật,
nhưng với tư cách là một phép tu luyện bổ ích và không chỉ giới hạn ở
kiếm thuật. Chân giá trị của binh pháp không thể khu trú trong giới hạn của
kiếm thuật.

Nếu nhìn vào thế giới, ta thấy chư nghệ được bán như những món hàng.
Người ta dùng vũ khí để bán chính bản thân của mình. Giống như tách hạt
ra khỏi hoa, rồi đánh giá hạt thấp giá trị hơn hoa. Nghĩ về binh pháp theo
cách đó, cả người dạy lẫn người học đều chú tâm để phô bày kỹ thuật hoa
mỹ. Họ tìm cách để ép đóa hoa nở vội. Họ nói về “Đạo trường này và Đạo
trường kia”. Họ tìm kiếm tư lợi. Có người đã từng nói: “Binh pháp sơ lậu là
căn nguyên khổ ải”, lời nói thật chí lý.

Có bốn đạo làm người trong đời: Sĩ – Nông – Công – Thương.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.