Thứ nhất là đạo của nông phu. Anh ta sử dụng đủ loại nông cụ, dùng cả đời
mình để quan sát sự chuyển tiếp của bốn mùa và sự biến đổi của mùa vụ.
Thứ hai là đạo của thương nhân. Người làm rượu duy trì sinh kế bằng cách
thu thập các nguyên liệu và lên men thành rượu. Cách sống của thương
nhân là luôn luôn mưu cầu lợi nhuận. Đó là đạo của kẻ làm ăn buôn bán.
Thứ ba là đạo của võ sĩ, mang theo bên mình vũ khí hành đạo. Đạo của
người võ sĩ là phải biết thấu hiểu đặc tính và cách sử dụng các vũ khí mình
mang theo. Nếu coi thường binh khí, võ sĩ sẽ không quý trọng cái lợi ích
của vũ khí, cho nên niềm yêu thích vũ khí là điều rất cần cho binh gia vậy.
Thứ tư là đạo của nghệ nhân. Đạo của người thợ mộc là trở nên thành thạo
trong việc sử dụng các công cụ nghề mộc; trước tiên là thước tấc chính xác
và tiếp đó là triển khai công việc theo đúng bản vẽ. Và anh ta sống như thế
cho đến hết cuộc đời của mình.
Ấy là cái đạo của bốn giới: Sĩ – Nông – Công – Thương.
So sánh đạo của người thợ mộc và binh pháp
Phép so sánh trong nghề mộc được thực hiện thông qua các ngôi nhà. Lâu
đài của hàng quý tộc, phòng ốc của võ sĩ, tứ đại danh gia, nhà của bốn giới,
các phế tích hưng vong, sự trùng tu, phong cách, tập quán và tên gọi của
ngôi nhà. Người thợ mộc dùng một bản vẽ lớn để dựng nhà. Và binh pháp
cũng tương tự, vì cũng cần có một bản kế hoạch để chiến đấu. Nếu ngươi
muốn học binh pháp, ngươi hãy nghiền ngẫm cuốn sách này. Thầy là cái
kim, trò là sợi chỉ. Ngươi hãy miệt mài rèn giũa như người thợ cả.
Người thợ cả đứng đầu nhóm thợ phải hiểu được quy luật của thiên nhiên,
pháp luật của đất nước, gia quy của các danh gia vọng tộc. Đó là cái đạo
của người thợ cả.