Người thợ cả phải học thuộc lòng phép đo các đền đài, bản vẽ những lâu
đài và cách xây từng ngôi nhà cho người ở. Phải biết sử dụng người để xây
nhà. Cái đạo của người thợ cả tương tự như cái đạo của người chỉ huy các
gia tướng.
Trong xây dựng phải chọn gỗ. Những cây gỗ thẳng, không mắt, có vẻ đẹp
thì được dùng làm cột trụ ở tiền đường, những cây gỗ thẳng với một vài hư
hỏng nhỏ thì được dùng cho các cột trụ bên trong. Gỗ có dáng đẹp dù có
hơi yếu thì lại được dùng làm ngạch, làm cửa và vách ngăn, gỗ cứng dù có
bị mắt hay xương xẩu vẫn có thể được dùng một cách kín đáo trong xây
dựng. Gỗ yếu hay nhiều mắt vẫn có thể được dùng làm giàn giáo và sau đó
là làm củi.
Người thợ cả giao phó công việc cho các tay thợ của mình tùy theo khả
năng của họ: người thì làm ván sàn, kẻ làm cửa lùa, người làm ngạch, kẻ
làm đố, kẻ khác nữa thì làm trần… những kẻ vô tài thì đặt ván rầm và
những người tay nghề còn kém hơn thì chẻ các con nêm và làm những việc
lặt vặt tương tự. Nếu viên thợ cả hiểu thợ của mình và phân công hợp lý,
công việc hoàn tất sẽ rất tốt đẹp.
Người thợ cả phải biết ghi nhận tài năng và hạn chế của đám thợ. Anh sâu
sát với họ và không bao giờ đưa ra cho họ những đòi hỏi vô căn cứ. Anh
thấu hiểu được tinh thần và tâm tư của họ, và khích lệ họ khi cần thiết.
Điều này cũng tương tự như nguyên lý của binh pháp.
Tâm đắc của sĩ tốt về đạo của binh pháp
Như một chiến binh, người thợ mộc mài giũa đồ nghề của mình. Anh ta
mang theo dụng cụ của mình trong hộp đồ nghề và lao động dưới sự chỉ
đạo trực tiếp của người thợ cả. Anh ta làm cột trụ và dầm bằng cây rìu, đẽo
gọt ván sàn và kệ sách bằng cái bào, anh ta cưa cắt chạm trổ tỉ mỉ, tạo cho
công trình một vẻ trau chuốt trác tuyệt, xứng tầm tài năng của mình. Đó là
tay nghề của người thợ mộc. Khi tay nghề của người thợ mộc trở nên nhuần