NGŨ LUÂN THƯ - Trang 8

Ông cũng nói:“Khi ngươi đã thấu hiểu cái đạo của binh pháp, sẽ chẳng có
một thứ gì ngươi không thể hiểu.”

Dã sử kể lại rằng Musashi quen biết một thiền sư là Takuan Sōhō (Trạch
Am Tông Bành). Thiền sư Takuan còn là một kiếm khách rất giỏi. Ông viết
cho học trò của mình, một kiếm khách lừng danh là Yagyū (Liễu Sinh), một
lá thư nói về tương quan giữa Thiền và Kiếm thuật. Bức thư này về sau
được nhắc đến với cái tên Fudōchi Shinmyō Roku (Bất Động Trí Thần
Diệu Lục). Nội dung thư đã ảnh hưởng rất nhiều đến nền tảng triết lý của
Musashi.

Ở tuổi năm mươi ông viết:“Ta đã nhận ra chân đạo.”

Kể từ đây, ông bắt đầu đối diện với một thách thức là phải viết ra một
Heihō (binh pháp) của riêng mình. Sau vài năm, ông viết xong một cuốn
sách về quy tắc kỹ thuật của kiếm pháp, tức là binh pháp nhìn từ nhãn quan
riêng của Musashi. Cuốn binh pháp nhỏ này có tên gọi Heihō Sanjūgo Kajō
(Binh pháp tam thập ngũ cá điều. Tạm dịch: 36 điều về binh pháp).

Năm 1643 Musashi quy ẩn trong một hang núi có tên Reigendo. Ở đây,
trong những tuần lễ cuối đời, ông viết cuốn binh thư Go Rin No Sho.

Go Rin No Sho là một cuốn sách mỏng về binh pháp nhưng kể từ khi được
dịch sang Anh ngữ với tên A Book of Five Rings nó đã được nghiền ngẫm
khắp nơi, từ giảng đường Đại học Harvard đến các phòng họp của các nhà
chiến lược kinh doanh. Các chính trị gia, các chỉ huy quân sự cao cấp cũng
tìm thấy trong tác phẩm này những nguyên tắc binh pháp chưa bao giờ sai
suốt ba trăm năm kể từ khi được viết ra.

Tạp chí Time ca ngợi cuốn sách rất ngắn gọn:“Ở phố Wall, khi Musashi cất
tiếng, mọi người phải lắng nghe.”

Time cũng viết“Go Rin No Sho là câu trả lời của Nhật Bản cho Harvard
MBA.”

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.