VII. LƯU-CẦU HUYẾT-LỆ TÂN-THƯ
Tháng 3 năm Giáp-thìn, ở Nam-kỳ trở về, tôi lại ngụ ở Huế. Thỉnh-
thoảng lo tính một chuyện như cách vẽ rắn thêm chân. Đó cũng là một việc
quan-hệ về lịch-sử tôi nên nói.
Nguyên lúc vua Đồng-Khánh được lên ngôi rồi, hai nước Pháp Việt
sửa thêm vào tờ điều-ước cũ. Bây giờ cắt đất từ Thanh-hóa trở vào, Bình-
thuận trở ra gọi là Annam, thuộc về Pháp-quốc bảo-hộ. Then chốt của
Chính-phủ Bảo-hộ ở trong tay ông Trú-Kinh Khâm-sứ nắm giữ. Những
thực-quyền về việc binh việc tài, đều về tay người Pháp chủ-trì, còn quan-
lại thì người nước mình. Người Pháp chỉ xem-xét sai-khiến mà thôi.
Tôi suy-nghĩ nếu như công-việc mình tính làm đây mà được bọn
người trong quan-trường giúp ngầm, tất là dễ-dàng nên việc.
Song tôi suy đi tính lại bọn làm quan là hạng trí-não tầm-thường, e
mình khó lòng mưu-toan với họ, mà rủi mưu-toan với họ không xong, thì
có tai-họa xẩy đến cho mình ngay.
Tuy vậy mặc lòng, chúng ta là người đã quyết hiến thân cứu-quốc
thì đầu-cổ mình, tính-mạng mình, đều có thể hy-sinh không sá kể gì, vậy
thì con đường họa-phước lợi-hại, ta cứ dấn mình vào mà đi, há nên chần-
chờ trốn-tránh nữa sao ?
Tôi bèn quyết kế tìm cách vận-động các quan.
Lúc ấy, tôi có tiếng hay chữ vang dậy chốn kinh-đô, phần nhiều cụ
lớn trong triều muốn được tôi ra vào làm môn-hạ các cụ.
Tôi liền viết ra một cuốn sách, nhan đề là « Lưu-cầu Huyết-lệ Tân-
thư ». Trong đó tôi tả rõ những cái thảm-trạng thành tan nước mất, những
nỗi nhơ nhuốc đổi chúa làm tôi. Lại nói đến dân-trí phải gấp mở-mang,