XV. MUỐN CHỞ KHÍ-GIỚI VỀ GIÚP HOÀNG-
HOA-THÁM
Ôi ! công việc cứu-quốc, không có gì cần-kíp hơn là vun-đắp nhân-
tài, mà vun-đắp nhân-tài thì có cách tổ-chức ra đoàn học-sinh là hay hơn cả.
Nhưng chúng tôi gặp phải cảnh-ngộ nầy, không có tài-sức nào tổ-
chức được học-đoàn nữa. Duy có để cho anh em học-sinh bền lòng gắng
chí, tự lo lấy cách tìm đường cầu học mà thôi.
Lúc bấy giờ có người chạy qua Bắc-kinh, như bọn Chung-hạo-
Sanh, Hồ-học-Lãm. Có người tới Quảng-tây như Nguyễn-tiêu-Đẩu (Bá-
Trác), Ng-Siên, Huỳnh-trọng-Mậu. Có người chạy sang Xiêm-la, như bọn
Hồ-vĩnh-Long, Đặng-quốc-Kiều. Cũng có người vẫn lưu ở Nhật, giả-mạo
làm người Tàu để cầu học, như đám Trần-trọng-Khắc, Hoàng-đình-Tuân.
Chân trời lênh-đênh, ai lo thân nấy. Kể về tinh-thần, anh em ta vẫn là một
bọn ái-quốc thanh-niên, nhưng về hình-thức thì bấy giờ họ là một lũ học-
sinh bơ-vơ trôi-nổi.
Lúc đó tôi làm thế nào ?
Đối với cảnh-ngộ chẳng may của những anh em học-sinh chí-thân
chí-ái, tôi chỉ đành vỗ ngực kêu trời, lấy một trận khóc để kết-thúc vấn-đề
ấy thôi. Nhưng mà tấm thân bảy thước đã hứa hẹn với non sông, là thân tôi
đây, không thể lấy gì che-lấp trách nhiệm cho được.
Đến nông-nỗi nầy tôi không thể nào không chạy qua con đường
bạo-động. Vẫn biết bạo-động với tự-sát đều là việc làm của những kẻ kiến-
thức hẹp-hòi, không biết lo xa, nhưng nếu sự thế buộc tự-sát, thà rằng xoay
ra bạo-động mà chết còn hơn. Vì cứ bạo-động may ra còn trông được có
chỗ thành-công trong muôn một. Huống gì tôi đã suy đi tính lại, lúc nầy bỏ
sự bạo-động ra không còn có việc gì đáng làm hơn nữa.