Tạm biệt Hello
Tôi may mắn được đi nhiều nước châu Á. Ở Nhật, nhân viên phục vụ
luôn cúi đầu và chào khách bằng “Konichiwa”, nghe rất hay, cách lịch sự
chỉ có ở Nhật. Ở Lào, nhân viên chào khách bằng “Sabaidee”, dù khách
người Lào 90 tuổi hay người Tây vừa sang hôm qua. Ở Thái, nơi trình độ
tiếng Anh của dân rất cao, nhân viên chắp hai tay vào nhau chào khách
bằng “Sawatdee-Kaa” (hoặc “Sawatdee-Krap” nếu nhân viên là người
nam). Ở Trung Quốc thì “Ni'hao”, ở Hàn Quốc thì “An nyeong ha say yo”,
ở Campuchia thì “Choum-reap-sua”, ở Mông Cổ thì “Sain-baina-uu”…
Vậy tại sao ở Việt Nam cứ khách Tây đến là “Hêlô! Hêlô!”, như các anh
chị làm nghề phục vụ đang tham gia chương trình trao giải đặc biệt do Hội
đồng Anh tài trợ. Tiếng Việt nghe rất thanh lịch và tình cảm - kể cả khi
không hiểu nghĩa. Tại sao không dùng nó?
Tôi hỏi nhiều nhân viên phục vụ tại sao họ không chào khách Tây bằng
tiếng Việt. Họ trả lời rằng họ muốn làm hài lòng khách tối đa, chào khách
Tây bằng tiếng Tây sẽ khiến khách cảm thấy được quý. Họ lý giải một cách
cặn kẽ, nhẹ nhàng và khiêm tốn. Họ nhầm.
Hãy hình dung một anh người Việt sang nước ngoài rồi ở đâu cũng được
(hoặc bị) chào bằng “Xin chào”, phát âm lơ lớ, thanh điệu chưa chuẩn. Có
khi lúc đầu anh ấy cảm thấy vui - “Hay nhỉ, người ở đây thích dùng tiếng
mình!” - nhưng sau một thời gian anh ấy rất chán. “Hello” nói với giọng
uyển chuyển và thanh lịch của người Anh nghe hay hơn nhiều.
Nhiều khách Tây bước vào cửa hàng tại Việt Nam và được chào bằng
tiếng Việt thấy sướng tai lắm. Câu đó, nó lạ, nó hay, nó chính là lý do mình
xách va li đi đến nơi xa. Trái lại, nhiều khách Tây bước vào cửa hàng tại
Việt Nam và bị chào bằng “Hello”, từ hai âm tiết nghe hàng triệu lần tính từ