lúc sinh ra, phải nói là hơi ngứa tai một chút. Chưa đủ ngứa để nói với
người ta, nhưng đủ để nói với bản thân.
Không phải chỉ mất cơ hội “tặng quà”, mà các anh chị phục vụ vô tình
mở hộp Pandora, tự kéo về nhiều rắc rối lẽ ra không cần. Nhân viên chào
khách Tây bằng tiếng Tây là vô thức chấp nhận theo văn hóa của khách (mà
có theo được đâu), còn nhân viên chào khách Tây bằng tiếng Việt là lịch sự
mời khách theo văn hóa của nơi đang ở.
Thêm vào đó, “Hello” là tiếng Anh. Có nhiều người không thực sự thoải
mái với sự phổ biến của tiếng Anh toàn cầu - nhất là người Pháp. Người
Pháp nào cũng biết một chút tiếng Anh, nhưng sang Paris sẽ không có
người bán bánh nào chào du khách nước ngoài bằng “Hello”. Người Đức,
người Nga, người Tây Ban Nha - số người “dị ứng tiếng Anh” hiện đang rất
cao. Họ công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế, nhưng sự công nhận ấy
mang tính miễn cưỡng. (Hãy hình dung tiếng Trung thành ngôn ngữ quốc tế
và du khách người Việt đi đâu cũng bị chào bằng “Ni-hao”). Biết đâu cánh
cửa cửa hàng chưa kịp đóng là người bán hàng đã làm mất lòng khách.
Cách của Việt Nam luôn là an toàn nhất. Là sướng tai nhất, là chu đáo
nhất.
Tuy nhiên cách của Việt Nam là cách nào? Khuyên nhân viên chào khách
Tây bằng tiếng Việt thì dễ - nhưng chọn cụm từ nào để chào là một việc
khác. Xin chào? Chào anh chị? Chào cô, chú, bác, ông, bà, cụ? Khỏe
không? Đi đâu đấy? Mỉm cười không nói gì? Hình như tiếng Việt chưa có
cách chào phổ biến nào có thể áp dụng trong mọi trường hợp thuộc loại
“Hello”. Tiếng Nhật có “Konichiwa”, tiếng Hàn có “An nyeong ha say yo”.
Nhưng tiếng Việt thì… tiếng Việt hơi phức tạp.
Lúc đầu tôi nghĩ ứng cử viên triển vọng nhất vẫn là “Xin chào”. Vừa đơn
giản vừa Việt Nam. Nhưng sự thật là từ “Xin chào” trong tiếng Việt nghe
khác với từ “Hello” trong tiếng Anh. Khi phân tích về chuyện này trên các