Và ngược lại. Người Tây chủ yếu xây dựng hình ảnh về người Việt qua
những bộ phim và tiểu thuyết về thời chiến, thời Pháp thuộc. (Vẫn chỉ có
thế là phổ biến toàn cầu.) Trong các tác phẩm nghệ thuật ấy, phụ nữ thường
xuất hiện với vẻ duyên dáng, bí ẩn. Đẹp kỳ lạ. Nếu có nhiều anh Tây sang
Việt Nam và ăn theo hình ảnh “com-plê”, thì cũng có nhiều em Việt Nam
sang Tây và ăn theo hình ảnh “áo dài”. Có bao nhiêu anh Tây biến thành
Charisma Man ở Việt Nam thì có bấy nhiêu em Việt Nam biến thành Exotic
Woman ở Tây (Siêu nhân đẹp kỳ lạ). Ví dụ, một em quê ở vùng biển, người
thì gầy, da thì đen, giọng thì lờ và nờ thành một. Ở Việt Nam em ấy khó có
thể vượt qua sự phân biệt ngoại hình và địa phương. Vậy nên em ấy giành
học bổng, bay sang Anh. Sau ba năm đi học, em ấy nói tiếng Anh như
người bản địa, kiếm việc part time là người mẫu ảnh (ai ngờ gương mặt đó
lại ăn hình như thế?), kiếm boyfriend fulltime là Chủ tịch hội đồng sinh
viên. Từ “gái nhà quê” em ấy biến thành “phụ nữ Exotic”. Ngoài vài ngày
nhớ nhà (nhớ bún cá) em ấy cảm thấy hài lòng với cuộc sống mới - một
cuộc sống rất giống phim.
Có lần tôi xem phim tài liệu của kênh Discovery kể về cuộc sống mới
của người phụ nữ Việt đi lấy chồng Hàn Quốc. Có đoạn phỏng vấn một chị
khá giỏi, ở Hàn Quốc chỉ có mấy năm mà lên tới chức xã trưởng. Khi ngồi
tâm sự với máy quay, chị ấy mặc áo Hàn Quốc rất thời trang và nói giọng
Việt Nam rất địa phương - một hình ảnh vừa mâu thuẫn vừa quen thuộc.
Tuy nhiên, “thoát xấu” bằng cách nào - nhờ phim, nhờ sách, nhờ chất tờ
giấy trắng - cũng rất khó để thoát hẳn. Quay lại với tác phẩm chính: kẻ thù
lớn nhất của “Charisma Man” trong truyện tranh là “Westem Woman” (Phụ
nữ Tây): các em Canada cũng sang Nhật và rất biết sự thật về anh chàng
“quyến rũ” này.