Nờ'gu-yệt?
No no. Nguyệt
Nơ-goẹt?
Nguyệt.
Nguy-y-hệt?
Actually it’s Jane.
Với nhiều người Tây, buộc dây giày bằng lưỡi sẽ dễ hơn phát âm tên
Nguyệt. Đó không phải lỗi tại ai; đơn giản tên đó kết hợp những âm khó nói
nhất trong một diện tích nhỏ. Một vấn đề nữa là sự mất đi của phát âm đặc
trưng. Ba tên Hùng, Hưng và Hương thường bị nói là “Hoong” hết. Một bạn
tên Hùng sang Tây một mình chắc không sao, nhưng sang cùng bạn Hương
và bạn Hưng thì… “Hey, Hoong!” Sếp kêu, khiến cả ba người phải nhìn
nhau, nhìn sếp, rồi nhìn nhau một lần nữa.
Tuy nhiên, đa số tên Việt Nam không có ý nghĩa xấu, cách phát âm bất
khả thi trong tiếng nước ngoài; đổi hay không là sự quyết định “tùy thích”.
Bạn thích được gọi bằng Linh hay Lucy? Không phải bạn chấp nhận tên
Lucy, bạn đồng ý tên Linh, mà bạn thích tên nào hơn?
Tôi có nhiều bạn Việt Nam đi nước ngoài và đổi tên thành công. Họ cảm
thấy tên mới của mình (những Mike, Linda, Sam…) giúp mình hòa nhập
với cuộc sống, thêm bạn, thêm vui. Tôi cũng có nhiều bạn nước ngoài sang
Việt Nam và đổi tên thành công (những Duy, Khải, Cường). Họ không thiếu
lời mời đi uống bia hơi.
Thêm vào đó, nhiều người cho rằng muốn thành công ở các lĩnh vực sáng
sủa toàn cầu như điện ảnh Hollywood thì phải có tên tiếng Anh. Michelle
Yeoh (Dương Tử Quỳnh) và Jackie Chan (Thành Long) thành công một
phần vì tên tiếng Anh của họ tạo ấn tượng tốt trong lòng khán giả Tây.