Họ đến với nhau vì duyên, còn họ ở lại với nhau vì tính cách - không
phải vì văn hóa, ngôn ngữ, màu da, hộ chiếu… Vì cả hai đều không sính
ngoại trong tình yêu nên việc tìm hiểu nhau diễn ra một cách chân thành.
Họ không cố tình đến với mục đích lớn lao mà mục đích lớn lao bất ngờ
đến với họ. Họ lấy một người, không lấy một văn hóa.
Thêm một điều quan trọng là những người đó thường thuộc dạng thỏa
mãn với những gì đang có. Nói cách khác, họ thuộc loại người không bị ám
ảnh với những gì chưa có. Họ không chủ động tìm kiếm một hoàng tử có
thể cứu mình từ hang rồng, một thiên thần có thể đưa mình lên mây - vì đơn
giản họ không thấy mình đang ở trong hang rồng, không nghĩ mình đang ở
dưới đất bùn.
Tính cách này tôi gọi là tính “mặc dù nhưng”. Trước khi cưới nhau: mặc
dù kết hôn với người nước ngoài đang “hot” nhưng tôi không phải người
theo mốt đâu. Sau khi (bất ngờ) cưới nhau: mặc dù hai người chưa thực sự
hiểu ngôn ngữ của nhau nhưng tâm sự đến mức này là đủ. Tính “mặc dù
nhưng” là điều khiến họ tránh nhau lúc đầu, ở lại với nhau lúc sau.
Cuộc hôn nhân nào cũng có những ba-ri-e riêng, những chướng ngại vật
nằm giữa con đường tìm hiểu. Các cuộc hôn nhân xuyên văn hóa sẽ có ba-
ri-e rất cao, khiến việc chia sẻ cảm xúc trở nên rất khó khăn. Những người
tham vọng và cầu toàn sẽ cố gắng tìm cách vượt qua hết - và thất bại. Còn
những người có tính “mặc dù nhưng”này sẽ dừng lại trước những ba-ri-e
cao quá, trải chiếu, ăn píc níc. Mặc dù không vượt qua được nhưng cũng
không sao. Ăn ngon là chính. Mà dưới này cũng mát mẻ đấy chứ!