Cái kiêu gượng của tiếng Anh mẹ đẻ
Các bạn khó hiểu cảm giác của người nói tiếng Anh mẹ đẻ trong thời
buổi hội nhập này. Còn tôi khó giải thích.
Có lẽ điều đầu tiên nên nói (nếu cứ cố giải thích) là chúng tôi, những
người may mắn được nói tiếng Anh mẹ đẻ đi đâu cũng nghe người xung
quanh sử dụng ngôn ngữ của mình. Quán cà phê tại Việt Nam, sân bay tại
Nigeria, thư viện tại Ấn Độ tiếng Anh phổ biến thật. Các bạn sẽ không biết
cảm giác khi cả thế giới chọn ngôn ngữ của mình làm ngôn ngữ chung.
Điều đó sẽ không xảy ra với ngôn ngữ đang thể hiện trong bài viết này;
người Afghanistan muốn làm việc cho khách sạn năm sao tại thủ đô Kabul
sẽ không bị yêu cầu phải biết tiếng Việt.
Khi nghe người xung quanh nói tiếng Anh “đẻ thuê” ở khắp mọi nơi, tôi
có cảm giác như họ đang mượn ngôn ngữ của tôi. Của chúng tôi. Tiếng Anh
là sản phẩm do chúng tôi nghĩ ra và phát triển - người ta thấy thích, người ta
xin mượn, chúng tôi cho phép.
Trong quan hệ giữa bên mượn và bên cho mượn bên mượn luôn phải tỏ
ra ngại hơn. Bên mượn có thể làm mất thứ đã mượn, làm bẩn, làm hỏng,
làm vỡ. Bên mượn phải cẩn thận. Kể cả bên mượn trở thành bên cướp, cố
tình lấy mất tài sản - chúng vẫn phải cẩn thận tránh các chú công an do bên
cho mượn huy động truy đuổi.
Trong quá trình toàn cầu hóa tiếng Anh, nếu có sự hiểu nhầm xảy ra do
việc “nói không chuẩn” hoặc “nghe chưa rõ” thì trách nhiệm sẽ thuộc bên
mượn. Trong các cuộc gặp gỡ giữa người nói tiếng Anh mẹ đẻ và người nói
tiếng Anh “đẻ thuê”, người nói tiếng Anh mẹ đẻ hầu như được quyền miễn
trừ ngoại giao. Chúng tôi có thể nói không rõ ý, lẩm ba lẩm bẩm, ngữ pháp