Tỷ lệ người nước ngoài ở Việt Nam lâu mà chưa biết tiếng Việt vẫn đang
rất cao. Một người Tây khó có thể sống ở Tokyo 10 năm nếu chỉ biết từ
“Arigato”. Trái lại, một người Tây rất dễ có thể sống ở Hà Nội 20 năm mà
chỉ biết từ “Cảm ơn”.
Không phải chỉ thế mà người muốn học tiếng Việt hay bị người Việt vô
tình khuyên ngăn. Tôi nhiều lần chứng kiến khách Tây cố gắng gọi món
bằng tiếng Việt, nhân viên phục vụ cố gắng trả lời bằng tiếng Anh (“Tôi
cơm rang!” “You is want fry rice?”). Không bên nào chịu bên nào, một
chiến tranh lạnh dưới mặt trời nóng.
Tiếng Anh là number one.
Thế mới kiêu.
Nhưng cảm giác kiêu căng đó có hai mặt. Tất nhiên có phần tự hào, phần
hài lòng, phần biết ơn. Nhưng bên cạnh đó có phần nhàm chán, Hiện giờ có
quá nhiều người mượn ngôn ngữ của chúng tôi. Tiếng Anh là của chung.
Suy ra, tiếng Anh không còn là của mình.
Ngược lại, tiếng Việt là nét đặc trưng; ngôn ngữ và văn hóa ôm nhau rất
chặt. Với các bạn, tiếng mẹ đẻ gắn bó với nơi mẹ đẻ. Các bạn nói tiếng mẹ
đẻ ở nước ngoài không sợ người xung quanh nghe trộm, nói tiếng mẹ đẻ ở
nước nhà biết chắc chắn mình đang ở nước nhà. Các bạn sẽ không bao giờ
biết cảm giác khi tiếng mẹ đẻ là tiếng chung.
Nhưng tôi sẽ không bao giờ biết cảm giác khi tiếng mẹ đẻ là tiếng riêng.