làm canh, đun cho sôi là được một nồi canh chỉ dành cho hai người. Bữa
nào cũng chỉ cần một nồi cơm và một nồi canh bé xíu. Bắt đầu gắp một ít
rau, cho vào miệng nhai từng chút một, chỉ sợ ăn nhanh quá cái vị ngọt
chạy vội xuống họng thì tiếc. Vị ngọt chỉ có ở rau đắng. Nó mịn và đậm, từ
khoang miệng đến lưỡi, đến răng rồi xuống cuống họng, đến tận họng.
Nuốt trôi xuống bụng mà vị ngọt vẫn ôm ấp khắp miệng.
Nàng lại thư thả uống một ngụm canh. Vị ngọt ôm trọn nàng để không
muốn nuốt, nhưng cũng lại muốn nuốt để uống thêm ngụm canh nữa, ăn
thêm miếng rau nữa. Chàng nhìn nàng cười, biết nàng đang vừa tiếc khi
nuốt, lại vừa muốn nuốt để ăn thêm miếng nữa. Miếng canh nuốt rồi mà cả
buổi chiều vị ngọt vẫn đọng trong miệng, dù nàng có uống nước thì vẫn
nhớ vị ngọt của canh rau đắng vừa ăn. Nước cũng bị vị ngọt ấy lấn át đi.
Rồi thế nào nàng cũng lại muốn được ăn canh rau đắng vào bữa sau.
Nàng sẽ tiếc nhất bữa cơm có canh rau đắng mà sau đó, hai người phải chia
tay để xuống rừng. Khi nào tự có linh cảm lên rừng thì hai người lại lên và
thể nào cũng gặp nhau. Nàng tin vào linh cảm của hai người. Và nhất định
nàng không tự hái rau đắng nấu canh trong bữa cơm ở nhà. Nàng chỉ đợi,
đợi những bữa chàng tự hái và tự nấu cho nàng ở trên rừng. Trong nàng,
niềm tin và sự chờ đợi hòa lẫn vào nhau nuôi nàng sống. Nàng tin không
bao giờ phải làm điều mình không muốn, bằng thứ chàng đã đưa cho.
- Nàng cầm cây kiếm này, nếu ta phụ nàng, hãy dùng chính nó đâm
thấu tim ta.
- Không được, đây là kiếm để chàng đi cúng cơ mà.
- Chính vì nó là kiếm thiêng trong mỗi lễ cúng ta làm chủ lễ thì mới
đưa cho nàng. Nó linh thiêng như chính trái tim ta vậy.
- Nhưng mỗi lần đi cúng, chàng lấy gì mà làm lễ?