Chồng chỉ nói vậy thôi. Thế có nghĩa là không được phép nhắc lại
điều ấy nữa. Vậy là từ hôm ấy, lúc tôi dong đàn bò về thường không thấy
chồng ở nhà.
Tôi biết vậy mà không phải vậy. Lúc lẩm nhẩm câu hát cúng, mẹ
chồng đã để một con cào cào chết trong dây đai váy rồi. Điều mà ai cũng
biết, khi muốn cất lên bài khèn ca thì phải có người qua đời, bất quá thì có
con cào cào chết thay thế.
Mẹ chồng đã gần tám mươi tuổi. Dễ đến hai chục năm nay bà chờ
ngày gặp tổ tiên mà vẫn chưa đi được. Tôi không biết mình thích hay
không thích ngày bà về với tổ tiên. Từ bé đến giờ tôi chưa bao giờ phải
chứng kiến ngày ấy với bất kỳ ai. Mặc dù từ khi về đây được các bà thím
dạy rất nhiều việc phải làm trong ngày ấy nếu mẹ chồng, bố chồng hay
người nhà chồng nằm xuống. Kỳ lạ, họ nhà chồng lại rất thọ. Bao nhiêu
người rất già mà chưa đi gặp tổ tiên.
Những người già họ nhà chồng không bệnh tật nên chắc ai cũng muộn
phải cắp nách con gà lên đường đi gặp tổ tiên. Có lẽ vì thế mà nhà này gà
mẹ đẻ gà con đông đàn nhiều lũ lắm. Điều khác hơn nữa là họ nhà này có
rất nhiều bò. Bò nuôi để cày, để đẻ khác, bò của người già khác.
Tôi cũng có một con bò nhà cho khi về đây làm dâu. Tôi ra khỏi nhà,
niềm hãnh diện là tay dắt một con bò. Những đồ đạc khác không thu hút
ánh nhìn của các gái cùng lứa. Của cải lớn nhất khi tôi sang nhà chồng khác
với hai cô dâu trước và khác cả con dâu nhà khác là tôi có sợi chỉ buộc từ
con bò đến ngón tay.
Tôi là con dâu thứ ba nhà họ Thào cưới cho Thào Chờ Sán. Chị Máy,
chị Cán đã đi trước đến cả chục năm. Hai người vợ trước của chồng đã
được trả về nhà cùng với của hồi môn và lấy lại lễ vật. Các chị đã được
người khác mang về làm dâu để đẻ những đứa con cho nhà chồng mới. Thế
có nghĩa là đã làm xong trách nhiệm của một đứa đàn bà rồi.