Bây giờ mỗi thứ tư hàng tuần cô lại đến để xem tình hình của Yeong-
hye, nhưng trước khi phát hiện ra Yeong-hye mất tích vào cái ngày mưa gió
đó thì mỗi tháng một lần cô lại đi qua con đường này. Mỗi lần đến cô lại
mang nào hoa quả, bánh bột nếp, đậu phụ quấn cơm…, con đường luôn yên
tĩnh vì vắng bóng cả người lẫn xe cộ. Trong căn phòng cạnh phòng hành
chính, Yeong-hye ngồi bên chiếc bàn bày đầy đồ ăn, miệng nhai như đứa trẻ
đang trả bài. Cô vuốt tóc, cài ra sau tai cho em, Yeong-hye ngước mắt, lẳng
lặng cười. Có những lúc cô tưởng như cuộc sống của Yeong-hye đã định
hình như thế, không còn rắc rối nào nữa. Yeong-hye chỉ nói khi nó muốn
nói, không thích ăn thịt cũng chẳng sao. Và thỉnh thoảng cô đến thăm em
thế này cũng được.
Yeong-hye kém cô bốn tuổi. Có lẽ do khoảng cách tuổi khá gần mà chị
em cô hiếm khi có chuyện hiềm tị. Họ lớn lên cùng với những trận đòn của
người cha dữ dằn, và cô luôn phải để ý bao bọc, che chở Yeong-hye với
trách nhiệm giống như tình mẫu tử. Chứng kiến sự trưởng thành của em gái
từ khi gót chân còn lấm lem, sống mũi lấm tấm mồ hôi qua những mùa hè,
cho đến khi em đi lấy chồng, lòng cô không ít lần khấp khởi. Chỉ có điều,
thâm tâm cô hơi tiếc là càng lớn em gái càng ít nói. Nhiều lúc cô không thể
đoán được tâm trạng của Yeong-hye, cô cảm thấy em mình giống như một
người xa lạ.
Chẳng hạn như lần cô sinh Ji-woo, đến thăm đứa cháu đầu tiên ở bệnh
viện, thay cho lời chúc mừng chị, Yeong-hye chỉ lẩm bẩm bảo “lần đầu tiên
em thấy đứa trẻ bé như thế này… lúc mới sinh ra ai cũng thế này à”.
“Chị có ôm nó một mình đến chỗ mẹ ở làng J được không? Nếu sợ mệt
thì em đi cùng nhé?”
Cảm ơn lời đề nghị tử tế của em, nhưng không hiểu sao lúc đó nụ cười
không xuất hiện trên cái miệng trẻ con của Yeong-hye làm cô thấy em mình
lạ lẫm quá. Và có lẽ Yeong-hye cũng cảm thấy cô lạ lẫm giống như vậy.
Trước khuôn mặt u sầu quá mức của Yeong-hye, cô không biết trả lời thế
nào. Thái độ đó hoàn toàn không giống với vẻ u sầu của chồng cô, nhưng