Sau mỗi buổi họp như thế, chiếc ghế sofa nhà tôi thường bị thủng thêm một
lỗ do điếu thuốc của ông Nunzi, còn mẹ thì viết một lá thư sao thành hai
bản, một bản gởi cho chủ nhà, một bản gởi cho một cơ quan nhà nước nào
đó, có thể họ sẽ quan tâm đến chuyện nhà cửa của chúng tôi, chẳng hạn như
thang máy thường bị kẹt giữa hai tầng hay mọi người không có nước nóng
khi cửa lớn bị khóa. Nhưng chẳng bao giờ có gì thay đổi cả.
Chuông cửa nhà tôi sẵn sàng reo bất cứ lúc nào. Mẹ đang tranh thủ luyện
tập vài vòng tốc độ với chú Richard trong khi tôi làm nước chanh và dọn
bánh Oreo ra đĩa.
Tiếng gõ cửa quen thuộc của bác Louisa vang lên. Tôi ra mở cửa với đĩa
bánh trên tay. Bác thở dài mệt mỏi, nhón một chiếc bánh Oreo. Bác mặc
quần jean và vẫn còn mang đôi giày y tá trắng. Bác đá đôi giày rớt xuống
ngưỡng cửa rồi bước vào. Bác ghét những cuộc họp thế này nhưng vẫn vì
mẹ mà đến. Hơn nữa, cũng cần có người trông chừng điếu thuốc của ông
Nunzi để khỏi vô tình gây hỏa hoạn.
“Bác dùng nước chanh không ạ?” tôi hỏi. Tôi không thích làm bồi bàn
trong những cuộc họp hành của mẹ, nhưng lúc nào tôi cũng sẵn lòng mời
nước bác Louisa.
“Có nước chanh thì tuyệt!” Bác theo tôi vào bếp.
Ngay khi bác Louisa vừa cầm ly nước lên thì chuông cửa reo một tràng dài
liên tục. Tại sao, tại sao, tại sao họ cứ phải nhấn và giữ chuông như thế?
“Những người già,” bác Louisa lẩm bẩm như thể đọc được suy nghĩ của tôi,
“Họ quá quen với việc bị bỏ rơi.” Bác với lấy hai cái bánh nữa rồi ra mở
cửa. Bác Louisa thường không ăn những thứ mà bác gọi là thức ăn chế
biến, nhưng bác nói bác không thể chịu nổi suốt cuộc họp của những người
thuê nhà nếu không có “vị cứu tinh” Oreo.
Mười lăm phút sau, mẹ ngồi bệt dưới sàn phòng khách, ghi chép tốc ký
những gì mọi người tranh nhau ca cẩm, nào là thang máy quá bẩn, cầu