Một tiếng tằng hắng kèm theo một lời cảnh cáo:
- Nhiều chuyện chết đòn nghe mậy?
Cậu bé mất hứng húp hết chén sương xâm, xuống bến rửa miệng rồi rút dàn
thun trong túi ngắm bầy chim đang đậu trên các nhánh bần ven rạch.
Hai Vĩnh không cần phải hỏi thêm. Bấy nhiêu đó cũng đủ rồi. Chuyện phải
đến đã đến. Từ lâu anh chờ đợi nỗi bất hạnh này. Anh không trách người
mình yêu vì chưa một lần anh dám ngỏ lời. Anh mơ tưởng cô Tư Xóm Cỏ
như một người bộ hành ngắm ánh sao khuya, cùng đi mãi bên nhau nhưng
không bao giờ với tới. Tin giờ chót này càng làm cho anh thấm thía ý nghĩa
về cuộc đời mà anh đã suy gẫm từ lâu. Trên đời chỉ có hai hạng người: giàu
và nghèo. Giàu là có đủ thứ còn nghèo thì chẳng có thứ gì. Từ lâu anh
nghiền ngẫm quyển truyện Thủy Hử, anh mê cuộc sống hào hùng của 108
vị hảo hớn trên núi Lương Sơn Bạc. Anh thích nhất bài thơ đầy hào khí
Tiếng hát thuyền câu của Tiểu Ngũ:
“Một đời ngang dọc chiếc thuyền câu
Danh lợi không màng vui chí cao
Giết sạch những phường quan lại ác
Lòng trung báo đáp Triệu gia sâu...”
Tư tưởng thế thiên hành đạo của Triệu Cái, Tống Giang bấy lâu tiềm tàng
trong tâm hồn anh, nay gặp cơn gió lốc, dấy lên bừng bừng thôi thúc hành
động. Ngay chiều ấy, Hai Vĩnh rủ Bảy Rô ra Chợ Cũ để “tìm một con
đường đi”. Bảy Rô đánh xe thổ mộ, nhà ở bên này cầu Rạch Đỉa. Hai anh
em thân nhau vì cùng một tuổi, cùng không ưa làng lính, cùng ưa chuyện
Tàu, cùng mơ một cuộc sống chọc trời khuấy nước.
Chiều ấy, được Hai Vĩnh dặn trước, Bảy Rô nghỉ sớm, sửa soạn đi Chợ Cũ
“ăn hút” với nhau cho thỏa chí.
Vào giờ tan sở, Hai Vĩnh và Bảy Rô kéo xuống Chợ Cũ. Lâu ngày chơi
sang một bữa, cả hai vô Nghi Xuân Lầu là nơi hẹn hò của tao nhân mặc
khách Sài Thành hoa lệ. Thường có mặt tại đây là những người trong giới
anh chị, dân đá banh, xe đạp, đua ngựa, cải lương, Bảy Rô và Hai Vĩnh đi
thẳng trên lầu, phía dưới là tiệm nước, trên lầu là tiệm cơm. Hai Vĩnh trao
trọn quyền cho Bảy Rô chọn thực đơn: