NGƯỜI BÌNH XUYÊN - Trang 9

Sau ngày ấy, cứ vào những ngày nước rong là Hai Vĩnh ăn mặc tươm tất,
ngóng chờ cô Tư Xóm Cỏ. Anh thường lên gác, hướng về phía vàm Rạch
Đỉa để tìm trong bức tranh thiên nhiên sông nước trời mây một điểm sáng:
chiếc áo màu hoa cà. Từ xa anh đã nghe tiếng hò chơi vơi trên con rạch:
“Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”...
Mỗi lần nghe hò, Hai Vĩnh đều đăm chiêu tư lự: “Con rạch Ong lớn này
chẳng khác con sông Nhà Bè, nó cũng chia hai, bên kia là Chánh Hưng,
tổng Tân Phong Hạ, huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn, còn bên này là Tân
Quy, tổng Bình Trị Hạ, huyện Nhà Bè, tỉnh Gia Định. Nhưng con rạch Ong
lớn không chia cắt đôi lứa vì mỗi tháng cô Tư đều sang đây chà gạo. Trở
ngại không do sông rạch chia cắt mà “do lòng người ngại núi e sông”. Hai
Vĩnh biết thân phận mình là con nhà nghèo, làm thuê ở mướn không đủ ăn,
lại còn cha mẹ và một bầy em ở chợ Long Kiểng, làm sao dám mơ tới
chuyện làm rể ông Tám Mạnh! Dù biết chỉ là ảo vọng, anh vẫn trông những
ngày nước rong, vẫn ngóng chiếc áo bà ba màu hoa cà, vẫn lắng nghe tiếng
hòa ngọt ngào trên sông nước.

***

“Bìm bịp kêu nước lớn ai ơi,
Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê”.

Hai Vĩnh chạy lên gác ngóng về phía vàm, mắt sáng trưng. Giọng hò cũng
ngọt như thuở nào, nhưng chấm sáng trên con rạch không phải là màu hoa
cà mà là màu tím than tối sẫm. Chiếc thuyền mỗi lúc một gần, vẫn chiếc
tam bản ấy nhưng người chèo không phải là “cố nhân”. Hai Vĩnh nhìn cô
gái không chớp cho tới khi thuyền cập bến:
- Cô là em thứ mấy của cô Tư?
Cô gái ngạc nhiên:
- Cô Tư nào?
- Cô Tư Xóm Cỏ. Tháng nào, cô ấy cũng qua đây chà gạo, vào ngày mười
bảy...

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.