NGƯỜI BÌNH XUYÊN - Trang 7

- Anh tò mò quá!
Hai Vĩnh hơi ngượng, tìm cách nói cho xuôi:
- Những người ở xa tới đây chà gạo, tôi có thể giúp cho chà trước để về cho
kịp con nước.
Cô gái nửa tin nửa ngờ:
- Bà con tới trước có chịu nhường cho những người ở xa không?
- Chịu chớ! Bà con ở đây rất có tinh thần tương trợ. Truyền thống “dân lân
dân ấp” của Bình Tây Đại Nguyên soái mà cô!
Hai mắt cô gái sáng rực lên:
- Bình Tây Đại nguyên soái! Tôi tưởng chỉ có ông già mới còn nhớ chuyện
đời xưa chớ!
Hai Vĩnh ngồi lên bao cà-ròn đối diện cô gái:
- Vùng này ai chẳng là con cháu nghĩa quân Trương Định? Các tên xã nói
rõ điều đó: Đây là Tân Quy, bên kia là Tân Thuận... Quy, Thuận! Phải
chăng đợi tới lúc Gia Long rước quân Pháp sang giết được Quản Định tại
Đám là tối trời, nghĩa dân vùng này mới chịu hạ giáo đợi thời cơ? Và cái
tên Long Kiểng cũng là mối nhục của bà con vùng này. Lẽ ra phải là Long
Cảnh, nhưng Gia Long buộc dân kiên cữ tên con hắn là hoàng tử Cảnh...
Chợt thấy mình lạc đề, Hai Vĩnh cười bảo:
- Bây giờ xin trở lại chuyện đời nay: Cô ở bên kia sông phải không?
Cô gái gật gật:
- Đúng, tôi ở Xóm Cỏ.
- Bên đó cũng có nhà máy mà...
- Phải. Nhưng mấy ngày nay máy móc trục trặc sao đó.
Hai Vĩnh nửa đùa, nửa thật:
- Vậy thì tôi vái cho nó mỗi tháng trục trặc một lần, đúng vào lúc nước rong
như hôm nay.
Đã hứa lỡ, Hai Vĩnh vô nhà máy nói khéo cho bà con nhường cô gái chà
trước để về sớm. Anh tiếp tay khuân mười giạ lúa vô trong:
- Nãy giờ quên hỏi cô thứ mấy?
- Tôi thứ tư.
- Từ nay tôi xin phép gọi cô là cô Tư Xóm Cỏ...

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.