lấy chồng lao động; kế nữa làm cha mẹ, ai cũng chọn chỗ môn đăng hộ đối
cho nở mày nở mặt với làng tổng.
Cô Tư nghiêm nghị:
- Anh đừng vơ đũa cả nắm! Anh chưa gặp ba tôi lần nào phải không? Chút
nữa ổng về anh sẽ thấy. Ổng không như người ta đâu. Anh có biết tại sao
gia đình chúng tôi ngày suy sụp hay không? Đó là vì lòng nhân ái. Ông nội
tôi làm xã ba năm... gia đình mất trọn ba mẫu ruộng. Tại sao hả? Tại ổng
thương những người nghèo không có tiền đóng thuế thân, ổng sợ họ bị bắt
làm tù bố nên cứ đóng dấu phát bừa giấy thuế thân cho họ, đến chừng nào
có tiền thì đem lại trả sau. Nhưng có ai trả lại cho ổng đâu! Tới chừng trên
quận dạy nạp thuế, ổng phải cầm cố đất ruộng để đóng lên quận cho đủ.
Năm trước mấy sào, năm sau một mẫu, cứ vậy mà sau ba năm làm làng, gia
đình mất tiêu miếng đất hương hỏa. Đất này là ba tôi mướn của người ta
đó. Cũng tại vậy mà ba tôi có học bao nhiêu, vừa biết đọc biết viết là phải
tiếp tay với người lớn lo việc ruộng nương.
Hai Vĩnh nghe cô Tư nói, hai mắt sáng lên, tâm hồn phơi phới. Cô chịu khó
trình bày như vậy có nghĩa là cô ngầm xúi anh “cứ tiến tới đi, không có trở
ngại nào đâu. Đã có tôi ở trong nói vô thì chắc chắn sẽ kết quả”.
Bỗng bầy chó chạy ra sân cất tiếng sủa vang. Cô Tư bước ra hàng ba, bảo
Hai Vĩnh:
- Ba tôi về đó!
Một ông già khoảng trên năm mươi, mập mạp, hồng hào, nét mặt vô cùng
phúc hậu ung dung bước qua sân, ông nhìn các võ sinh đang tập, bước lại
uốn nắn từng người, dịu dàng, thân ái. Cô Tư cũng bước vô nhà với ông để
giới thiệu Hai Vĩnh:
- Đây là thầy Hai, trước đây trông coi nhà máy xay lúa Rạch Đỉa...
Ông Tám nhìn Hai Vĩnh gật gù:
- Thầy Hai tới đây có việc chi?
Hai Vĩnh lễ phép:
- Thưa ông Tám, lâu nay cháu nghe tiếng ông Tám, muốn được gặp nhưng
chưa có dịp. Nay gặp Chín Phải là em út của cháu ở Tân Quy, cháu qua
đây, trước để làm quen, sau để trau dồi...