Mọi người vừa ráp lại thì “quới nhơn” đạp xe tới. Vẫn bộ bà ba mốc cời và
đôi guốc mòn lẻm. Ông Tám mời quới nhơn ngồi ở bộ trường kỷ. Vừa ăn,
Bảy Trân hỏi:
- Công cuộc chuẩn bị như thế nào? Tinh thần anh em ra sao?
Ông Tám vui vẻ gật đầu:
- Anh em hăng lắm. Hễ nghe đập đầu Tây với làng lính là xáp vô làm liền!
Lâu nay cá ăn kiến, bây giờ kiến ăn cá, không hăng sao được thầy Bảy! Từ
ngày nghe thầy Bảy nói chuyện, anh em ngưng “đi hát” để thì giờ tập võ và
o bế đồ binh khí.
Bảy Trân nắm tay ông Tám:
- Nhờ ông Tám nói với anh em là chúng tôi rất cảm ơn anh em đã hưởng
ứng lời đề nghị của tôi. Bác Tám biết không, niềm vui của chúng tôi không
sao kể xiết. Trước đây đêm nào ăn cướp cũng hoành hành, trống mõ khua
vang như nhái kêu. Vậy mà hai tuần nay êm re. Vậy mới biết là tiếng nói
của Đảng “linh” quá!
Ông Tám hãnh diện:
- Thầy Bảy yên tâm, em út của tôi coi hầm hừ vậy mà tôi nói sao nghe vậy.
Tôi dạy học trò mấy chục năm nay, không có thằng nào phản.
- Các thứ đồ nghề để phá khám như búa tài xồi, cưa sắt, ông Tám lo đủ
chứ?
- Đủ hết! Bỏ trong bao cà-ròn, giao cho Năm Hồi.
Bảy Trân yên tâm. Lúc uống trà, ông đứng lên:
- Tôi phải ra đường số 5 với anh em. Bộ tham mưu đặt tại gò mả An Phú,
dưới xóm “các chú”.
Ông Tám ngạc nhiên:
- Ủa, tôi tưởng thầy ở lại đây với chúng tôi chớ?
Bảy Trân giải thích:
- Tôi chịu trách nhiệm trong toàn tổng Tân Phong Hạ. Tôi tổ chức được ba
nhóm, ở đây là một, bên Bình Đăng là hai và ở Đa Phước, Phong Phú là ba.
Cho nên Bộ tham mưu phải đặt ở giữa để tiện liên lạc và chỉ huy.
Ông Tám gật gù:
- Vậy cho tôi gửi một người làm liên lạc tiếp tay với thầy Bảy có tiện