- Mày là ai? Đừng có xạo sự! Đi chỗ khác chơi!
Bảy Huê dằn mạnh ly rượu:
- Rồi sao, mày muốn gì?
Hai Vĩnh vẫn một giọng ôn tồn:
- Tôi muốn các anh trả tiền lại cho ông già anh bạn tôi đây- anh chỉ Hai
Thạnh- rồi đi chỗ khác chơi.
Bảy Tui xô ghế đứng lên:
- Làng lính, cai tuần, hương quản sở tại còn không dám hó hé, mày là cái
thá gì mà tới đây ọ ẹ?
Hai Vĩnh cũng đứng lên:
- Tôi đã nói chuyện tử tế, các anh không nghe lại toan sanh sự. Vậy thì
đừng trách- Chưa dứt lời anh phóng một đá vào mặt Bảy Tui. Tên này
nhanh mắt lách kịp chụp chai la-ve phang vô ngựa Hai Vĩnh. Hai Vĩnh
xoay mình né, cái chai rơi xuống sàn gạch bể tan. Tức thì hai tên kia nhào
ra vây lấy Hai Vĩnh và Hai Thạnh. Hai Thạnh cũng là tay có nghề nên cùng
với Hai Vĩnh đương cự. Trong đám này, Bảy Tui hầm hừ hơn hết nên Hai
Vĩnh quyết hạ cho được để dằn mặt hai tên kia. Một cú đá của anh tống
Bảy Tui văng ba thước. Tức thì Sáu Hóa chụp cây “độc lá hẹ” xông tới đâm
nhầu.
Hai Vĩnh cười lạt lùi ra xa:
- Màn tay không thua rồi, bây giờ tới màn võ khí! Được!- Anh đảo mắt
nhìn quanh. Trong góc có một cán cuốc cùn. Anh với ngay và biến cán
cuốc cùn thành ngọn roi lợi hại. Sáu Hóa chịu không nổi vác cây độc chạy
dài. Bên kia, Bảy Huê đang xách dao chém Hai Thạnh, thấy Sáu Hóa bỏ
chạy, cũng co giò chạy luôn. Hai Vĩnh và Hai Thạnh đuổi theo tới cầu Rạch
Tôm, cách nhà hội Nhơn Đức khoảng một cây số, Hương quản Thể chặn
Hai Vĩnh lại, năn nỉ:
- Cho tôi xin đi chú Hai. Như vậy là biết ai ai thắng ai bại rồi. Hôm nay là
mùng ba Tết, không nên gây đổ máu…
Sau trận này, tên tuổi Hai Vĩnh bắt đầu lan khắp vùng. Các tay du đãng tôn
anh lên hàng anh chị. Từ đó mỗi khi gặp khó khăn hiếp đáp, dân chúng đều
nhờ “anh Hai” hay “chú Hai” giúp giùm. Các ghe thương hồ qua lại cũng