Chẳng hề có chút liên hệ huyền bí nào giữa trịnh trọng và văn chương vĩ
đại. Một vài nhà văn vĩ đại trịnh trọng lắm, nhưng phần đông hầu như họ
chả có trịnh trọng tí nào. Họ có một cái gì khác.
Đời sống điều khiển thế gian, đời sống tự do bình thường. Những người
sống vô danh kể chuyện đời họ mỗi ngày, với sự trợ giúp của những nhà
văn chuyên nghiệp hay tài tử, nhưng người kể chuyện vĩ đại nhất của tất cả
chúng ta là thời gian và sự biến dịch, hoặc là sự chết. Nhưng chết chưa phải
là tận vong cũng không phải là kẻ thù của chúng ta. Nó là quà tặng quý báu
cho chúng ta sau khi chào đời, và là bạn tốt nhất của chúng ta, sau chân lý.
Tôi trở lại San Francisco vào dịp kỷ niệm lần sinh nhật thứ hai mươi, ngày
xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình – bắt đầu đời sống nhà văn, là một
sức mạnh trong sinah hoạt, như một đại diện được bầu lên từ cái ngã- vô-
danh của tôi, cũng như của tất cả những người khác mà nguyện vọng của
họ tương tự với nguyện vọng của tôi – sống một cách sáng tạo, sống một
cách vẻ vang, tận lòng tận sức mà không phải mưu hại ai, hân thưởng thân
phận con người, không sợ chết cũng chẳng sợ bất tử, yêu mến những kẻ
điên dại và thất bại hơn cả những người khôn ngoan và bậc thánh nhân,
chẳng qua những hạng người trên có nhiều hơn, tin tưởng, hy vọng, làm
lụng, và sinh hoạt như thế một cách trào lộng.
Chấp nhận, chứ không nói lời phủ nhận.
Tôi có lời khuyên gì đối với các nhà văn mầm non?
Chả có gì cả, vì thực ra chẳng có ai là mầm non hay mầm già, nhà văn là
nhà văn, không cần khuyên răn và cũng chẳng phải kiếm lời khuyên răn
làm gì.
Thế còn những giờ dạy viết văn ở trung và đại học thì sao?
Vô bổ, hoàn toàn vô bổ.
Nhà văn là một kẻ vô chính phủ trên phương diện tâm linh cũng như tận
sâu thẳm linh hồn của hắn. Hắn bất mãn với mọi sự và mọi người. Nhà văn
là bạn thiết, cũng là kẻ thù thực sự và duy nhất – kẻ thù lương thiện và vĩ
đại – của con người. Hắn không đi với quần chúng và cũng không a dua hô