Tôi cũng có ý muốn làm cách mạng văn chương Mỹ.
Vào đầu những năm ba mươi, chữ "cách mạng" được phổ cập lắm và hoàn
toàn đáng kính trọng. Một cuộc thăm dò dư luận để đo lường sự thành công
của tôi trong văn chương cận đại Mỹ và nếu cho rằng tác phẩm của tôi
chẳng có tí ảnh hưởng gì tới nền học thuật này thì thật là bất công và sai
lầm. Phiền một nỗi, phần lớn tác phẩm của tôi ảnh hưởng tới các nhà văn
chưa và vẫn chưa xuất bản, và để đo lường thứ ảnh hưởng đó đòi hỏi nhiều
tưởng tượng và táo bạo. Một số đã có sách xuất bản , cũng biểu hiện một xu
hướng chịu ảnh hưởng trên chữ nghĩa của tôi, bằng sự bắt đầu cải thiện hầu
như lập tức và không phải chỉ nhận thấy trong thể truyện ngắn, mà ngay cả
trong tiểu thuyết, kịch và trên điện ảnh nữa.
Việc viết lách của tôi có cái gì khả dĩ có lợi ích cho văn chương, nói chung?
Tự do.
Tôi nghĩ là tôi đã chứng tỏ nếu ta có một nhà văn, có tác phẩm, và chính
nhà văn quan trọng hơn tác phẩm của hắn nhiều – trừ phi khi hắn ta tự bỏ
ngang, hoặc là nửa đường đứt gánh, chết.
Vì vậy, nếu bạn đã là nhà văn, bạn không cần phải tự tử mỗi khi bạn viết
xong một truyện ngắn, một vở kịch hay một cuốn tiểu thuyết.
Nhưng tại sao tôi lại muốn làm cách mạng văn chương Mỹ chứ?
Tôi phải cách mạng, vì tôi không thích việc đó, thế nhưng lại muốn cải
thiện lộ trình trước mặt.
Và tại sao là một nhà văn tôi lại không sẵn lòng tỏ vẻ trịnh trọng? Chẳng lẽ
tôi không thừa biết rằng nếu tôi không ra vẻ nghiêm nghị một chút thì các
nhà phê bình lớn sẽ ngại viết về tác phẩm của m`inh sao? Biết quá đi chứ.
Nhưng tôi không thể, chỉ vì cảm thấy chẳng có gì đáng phải trịnh trọng cả.
Tôi không nên như thế chút nào, vì ra vẻ nghiêm trang chỉ là chiếc bóng
biến tướng của hợm hĩnh. Một số nhà văn có bản tính trịnh trọng, nghiêm
trang hay hợm hĩnh, nhưng như thế không có nghĩa là hẳn nhiên họ cũng vĩ
đại, hoặc có thực tài.