NGƯỜI CÓ TRÁI TIM TRÊN MIỀN CAO NGUYÊN - Trang 9

William Saroyan

Người có trái tim trên miền cao nguyên

Dịch giả: Huy Tưởng

Chương 1

Người có trái tim trên miền cao nguyên

Khởi viết vào khoảng tháng tám năm 1935, sau chuyến đi Châu Âu lần đầu
tiên, tôi cho đây là một trong những truyện ngắn hay nhất của văn chương
Hoa Kỳ. Truyện phóng khoáng, nhẹ nhàng, linh hoạt, độc lập, mới mẻ, dị
thường mà chân thật, ngộ nghĩnh mà lịch duyệt. Nếu phải làm cái gì như
một Thánh kinh của đời sống thế kỷ hai mươi – quy tụ những tuyệt phẩm
của tất cả các nhà văn thế giới hiện đại – thì truyện này hẳn xứng đáng có
một chỗ trong tuyển tập đó. Đặc biệt, tôi tiến dẫn truyện này cho những nhà
văn chưa xuất bả hoặc đã xuất bản quá nhiều, vì tôi tin, nó sẽ cho nhà văn
chưa hề xuất bản thấy rằng phải bắt đầu ra sao, và nhà văn xuất bản quá
nhiều rằng chính loại văn giản dị nhất sẽ là những gì tuyệt hảo và chân
chính nhất. Ba mươi ba năm sau khi truyện được viết ra, tôi thấy lẽ ra tôi
không nên viết nó, mặc dầu nếu có một người nào đó viết thì tôi hài lòng
hơn. Truyện đáng được viết, nó sẽ tồn tại và sống đời riêng biệt.

Năm 1914, khi ấy tôi chưa đầy sáu tuổi, có một ông già đi dọc xuống đại lộ
San Benito, thổi một khúc độc tấu bằng kèn và dừng lại trước cửa nhà
chúng tôi. Tôi chạy ngay ra ngoài sân, đứng chờ bên bờ giếng, đợi xem ông
thổi lại lần nữa, nhưng không. Tôi nói, Cháu thích nghe bác thổi một bản
nữa quá, và ông già nói, Này cậu bé, cậu có thể rót một ly nước cho một
ông già mà trái tim không ở đây, nhưng ở tận miền cao nguyên, được chứ?
Tôi nói, Cao nguyên nào?
Ông già nói, Cao nguyên Scotch, rõ chưa?
Tôi nói, Thế trái tim bác đang làm gì nơi miền cao nguyên Scotch?
Ông già nói, Trái tim ta đang đau khổ ở đó. Cháu rót cho ta một ly nước
lạnh được không?
Tôi hỏi, Chứ má của bác ở đâu?

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.