Hải Súng vì đói đã xông vào cướp bóc một số nhà xung quanh núi. Vì vậy,
chúng bị du kích đang hoạt động ở đây bắn chết.
Chi tiết này được đại đa số giang hồ đã rửa tay gác kiếm xác nhận. Một
số còn khẳng định rằng hai ngôi mộ mang tên Đại và Hải là có thật, họ đã
từng đến thăm khi có dịp ghé ra Phú Quốc sau ngày giải phóng. Tuy nhiên,
hồ sơ về cái chết của hai tên du đãng mà chúng tôi có được lại mang một
nguyên nhân khác hẳn.
Biết không trị nổi Đại Cathay, lại nhiều lần bị tên du đãng làm bẽ mặt,
chuẩn tướng Sáu Lèo Nguyễn Ngọc Loan rất hận, tìm cách loại trừ vĩnh
viễn Đại Cathay. Khi biết cô Nhân - vợ Đại - đang tìm cách lo lót tổ chức
cho Đại Cathay vượt ngục… Nguyễn Ngọc Loan đã chỉ đạo cứ để cho Đại
Cathay thực hiện kế hoạch. Đến giờ chót, theo lệnh Loan, toàn bộ toán lính
gác của trại hướng nghiệp bất ngờ bị đổi. Toán lính gác mới ráo riết truy
kích đám tép riu, còn Đại và Hải, chúng cố ý để cho đào thoát vào núi
Tượng. Sau đó, Loan cho một tiểu đội biệt kích do thiếu úy Trần Tử Thanh
chỉ huy, được trực thăng chở từ Sài Gòn ra truy kích Đại và Hải, bắn hạ
chúng. Khi đi, toán biệt kích dù phải thay quần áo bà ba, đội mũ tai bèo,
mang dép râu và sử dụng súng AK.47, giả trang làm Quân giải phóng để đổ
vấy cho việc giết Đại Cathay và Hải Súng cho phía Cách mạng. Diệt xong,
toán biệt kích dù phải đắp mộ, đề bia tử tế để dễ bề nhận diện và gây dư
luận. Chính thiếu úy Trần Tử Thanh sau này đã từng huênh hoang khoe với
nhiều phóng viên của một số tờ báo ở Sài Gòn trước 1975 rằng chính tay y
đã nổ súng hạ gục Đại Cathay. Khá nhiều người cũng biết rõ ngọn nguồn
vụ việc, song trước khi ngụy quyền sụp đổ, không một tờ báo nào dám viết
về âm mưu hại địch thủ của tướng Nguyễn Ngọc Loan. Vì vậy, lời đồn đại,
đoán non đoán già vẫn cứ loang ra mãi, đắp thêm chất huyền thoại vào
cuộc đời và cái chết của Đại Cathay - tên du đãng ngoại hạng.
Tháng 8.1998