– Thầy nhớ con không? Con là Năm Vĩnh, thằng học trò bị thầy tát tai
gọi là đồ kẻ cướp ở Bồ Đề đây mà!
Suýt nữa, ông thầy giáo đã ngất xỉu vì tin chắc trận đòn thù sẽ sắp được
tên học trò xưa trút xuống đầu mình. Quá sợ hãi, ông lắp bắp:
– Anh… thông cảm, khi xưa tôi chỉ…
Năm Vĩnh cắt ngang:
– Dạ không, không. Con cảm ơn thầy vì lời thầy quá đúng. Đời con
chẳng có thể làm được trò trống gì hơn ngoài một thằng tướng cướp.
Như một cảnh phim quái gở điên rồ, hùm xám miền Trung thét đàn em
kê nệm, trải drap và đón ông thầy mình lên “chiếu trên” nằm nghỉ, cơm
bưng nước rót hầu hạ đến tận chỗ nằm. Khi đã trấn tĩnh, ông Dương mới
dám hỏi Vĩnh:
– Anh là người còn biết giữ chút lễ nghĩa, sao hôm trước vô cớ lại đánh
người ta đến chết?
Triết lý tàn bạo của lối sống giang hồ được gã học trò quỷ dữ trả lời sau
một giọng cười buồn:
– Con đã giết hai người, chẳng bao lâu sẽ bị đày ra Côn Đảo lãnh án
chung thân cấm cố. Ra đó coi như là chết, con phải “mua vé” bằng án mới
để tiếp tục bị điều tra, còn có cơ hội được ở lại đất liền. Giang hồ hiểm ác,
người này sống thì kẻ kia phải chết, tại số thằng đó… xui thầy ạ!
• • •
Nhưng, Năm Vĩnh đã không còn cơ hội để sống tiếp với cái triết lý thú
vật của đám giang hồ. Gần giữa tháng 3.1975, xe tăng quân Giải phóng ầm
ầm tiến vào làm chủ Nha Trang. Lợi dụng thời cơ, đám quân phạm đã bạo
động giết lính canh, phá quân lao trốn chạy. Bị Năm Vĩnh ép, ông Dương
phải theo chân những tên tù sổng khám chạy về hướng Phan Rang. Nhưng,
cầu Du Long đã sập, những tên lính mặc áo tù lại lôi ông chạy ngược trở lại
quân cảng Cam Ranh. Trên đường đi, ông giáo mô phạm đã đau đớn và bất
lực chứng kiến cảnh tên học trò khốn nạn và đám đàn em của hắn mặc sức