“trúng áp phe”, để chị sửa lại cái nhà, sắm thêm cho mẹ, cho con vài ba tấm
áo mới, thế là đủ mãn nguyện để khoe với xóm giềng. Không ngờ, cuối
năm đó, sau nhiều tháng hắn đi biền biệt, Dung mới ngớ ra: Minh con - anh
chồng hiền lành tử tế - lại là Điền Khắc Kim, “tướng cướp cô đơn” khét
tiếng. Chị khóc, khóc rất nhiều. Sau ba bốn bận thăm nuôi, chị đành xem
như Minh con đã chết, chỉ câm nín bán sương sâm nuôi mẹ già và ba đứa
con thơ.
Đùng một cái, thằng chồng dối trá quay trở lại. Hung thần với ai, tướng
cướp với ai, chứ với chị, hắn mãi mãi là một “anh Minh”, cha của ba đứa
nhỏ. Khuyên không được, chị cũng không nỡ tố giác chồng, đành nhẫn
nhục cưu mang che giấu Điền Khắc Kim, dù chị biết rất rõ chồng mình là
tên tù vượt ngục. Với Điền Khắc Kim, tấm lòng người vợ chính là nơi trú
ẩn cuối cùng. Vợ lớn của hắn ở đường Tôn Đản, ngay sau khi hắn bị đày ra
Côn Đảo đã bán nhà, ôm con đi biệt xứ, không còn trông mong gì nữa…
Ở nhà một thời gian, Điền Khắc Kim mò ra đường Hồ Văn Ngà, tìm một
người bạn gái cũ đang sống lắt lay bằng nghề bán hàng lạc-xoong (đồ cũ)
tính cậy nhờ để tìm sinh kế. Vừa ra đến nơi, hắn đã bị công an phát hiện và
bắt giữ, sau đó bị đưa lên cải tạo tại trại Tống Lê Chân (Sông Bé). Ngồi trại
đến tháng 7.1983, hắn lại trốn. Con thú dữ sổng chuồng ngày càng liều lĩnh
và hung bạo hơn. Vừa đặt chân trở lại Sài Gòn, hắn đã một mình gây hàng
loạt vụ cướp mới. Lần này, đa số nạn nhân của tên cướp hết thời đều là đàn
bà, con nít, những kẻ yếu ớt, cô đơn.
Một lần, vừa cướp được một chiếc xe đạp trên đường Nguyễn Thị Minh
Khai (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) thì hắn bị công an vây bắt. Cùng đường,
hắn kê súng vào bụng anh công an bóp cò nhưng đạn lép, không nổ nên bị
tóm tại trận.
Trở vào trại giam, cố hết sức, Điền Khắc Kim vận công, gồng bụng làm
bục vết thương Mỹ bắn ngày nào. Được công an đưa vào Bệnh viện Bình
Dân cấp cứu. 3 giờ sáng, lợi dụng lúc anh công an gác cửa ngủ gục, hắn lại
bẻ còng trốn thoát. Vì vụ đào tẩu này, dư luận Sài Gòn lại có dịp ồn lên.