tiêu, chúng đầu tư hết vào mua máy, máng xay vàng tại bãi Tiên Hiệp, Tiên
Phước. Không chút kinh nghiệm, chỉ ít ngày sau, số vàng cướp được đã bốc
hơi theo khói máy dầu. Chán nản, cả bọn dàn cảnh đánh nhau để có cớ rã
đám. 12 triệu đồng bán máy được chia đều cho 7 thằng, mỗi thằng lận lưng
một ít và chia tay nhau. Từ đó, Tuệ bắt đầu một đoạn đời kinh khủng mà
dẫu có muốn cũng không quên được.
• • •
Ngày 18.3.1992, Tuệ ném mình vào giữa bãi đá Saphre Trường Xuân
(Đắc Nông - Đắc Lắc). Bãi vàng hay bãi đá quí thì cũng như nhau, đều là
nơi bạo lực đồng nghĩa với quyền lực. Đúng hôm Tuệ mò lên thì máng đãi
của sáu thằng oắt con cùng quê Nông Cống, Thanh Hóa vào cầu, nhặt được
dăm bảy viên đá “lốt” (deluxe). Lập tức, chiến tranh hầm hố xảy ra. Sáu
thằng bé con bị một đám dân anh chị trong bãi tấn công, đòi giao nộp chiến
lợi phẩm. “Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã”, Tuệ tự động xắn tay áo xông vào
trợ chiến. Thấy có người giúp, bọn nhóc trở nên can đảm hẳn lên, lăn xả
vào trận, đánh cho đám gây hấn tan tác. Để trả nghĩa, chúng nằng nặc mời
cao thủ Lê Văn Tuệ “ở lại với anh em”. Chưa biết đi đâu, tiền mang theo
cũng đã cạn kiệt, Tuệ gật đầu ở lại làm “đấng chăn dắt” đám trẻ con thừa
máu liều nhưng thiếu kinh nghiệm và cô thân cô thế. Việc của Tuệ không
phải là nai lưng ra đào đãi mà là “bảo kê”, đứng ra dàn xếp những mối bất
hòa, thậm chí sẵn sàng động chân động tay khi có kẻ mò đến đòi tiền bãi
hay cướp phá. Nghề này Tuệ khá thạo, nhờ vào chút vốn “võ vườn” học
được từ những năm còn bé. Buổi tối, bọn trẻ lại vây tròn quanh Tuệ để đại
ca chỉ vẽ cho vài thế võ phòng thân.
Rừng không hai cọp, đám anh chị trong bãi Saphre cay lắm, quyết tâm
phục kích nhổ bỏ cái gai trong mắt. Biết nguy hiểm đang rình rập, một hôm
Tuệ bảo đám em út đưa cho mình ít tiền và mò vào thị trấn Gia Nghĩa (Đắc
Nông). Ở đó, Tuệ không mua sắm gì, chỉ ghé vào một tiệm tạp hóa và một
tiệm hàn, ăn một tô phở rồi về. Trong túi áo Tuệ có thêm một thứ “đồ chơi”
lạ mắt: một sợi dây mì đàn ghi ta, một đầu có gắn một cục chì nặng, đầu kia