cây vàng và đòi đi theo để “tham quan cho biết đất Việt Nam núi rộng sông
dài”. Lời đề nghị lãng mạn của kẻ có tiền chẳng bao giờ làm ai phật ý. Vậy
là Tuệ có dịp rong ruổi khắp nơi, nếm đủ mọi của ngon vật lạ và cảnh đẹp
trên đời. Hầu như không có một thị trấn nào của vùng trung du Bắc Bộ, một
thị xã nào của vùng núi non Tây Bắc mà Tuệ chưa từng thăm viếng. Hắn đi
nhiều đến nỗi thuộc làu làu tên hiệu, bảng giá và món độc chiêu của từng
khách sạn ở nhiều tỉnh miền Bắc, dù đó là những khách sạn heo hút ở vùng
sáu tỉnh Cao-Bắc-Lạng-Thái-Hà-Tuyên… Chẳng có gì ràng buộc, Tuệ chỉ
chịu quay về khi túi áo túi quần đã lộn trái. Dăm bữa nửa tháng, dặt dẹo
được vài chục cây vàng, hắn lại ra đi. Tính ra, riêng trong mùa khô năm
1998, số tiền Tuệ tiêu hết chắc cũng đủ nuôi vài ba chục người… suốt cả
đời. Chính vì máu ham chơi, Tuệ đã trở nên đặc biệt thân thiết với đám
lãng tử dân Bắc trong bãi vàng, được chúng đặt cho một biệt danh khá mỹ
miều: “Gã trai xứ Quảng trong lòng anh em đất Bắc”. Trời ạ, giang hồ cũng
có lúc “sến” phải biết!
• • •
Thuở huy hoàng không kéo dài vĩnh cửu. Đến mùa mưa năm 1998, thì
Lê Văn Tuệ bắt đầu lâm vào cảnh khốn khó. Đầu tiên, tình hình khai thác
vàng bỗng cạn kiệt hẳn. Hàng loạt hầm máy đào mãi vẫn chẳng tăm ra
vàng, chủ hầm chủ máy nợ chồng chất và lâm vào phá sản (trung bình mỗi
máy + 10 người chi một ngày hết 2 cây vàng), thợ đào thuê đói hoa cả mắt.
Vì thế, nghề dặt dẹo may lắm cũng chỉ đủ no dạ dày, không đủ no óc (thỏa
mãn cơn nghiện). Đói thuốc, Tuệ và cả chục tên em út vật vã điên cuồng,
cuối cùng làm mồi ngon cho sốt rét rừng, ghẻ lở và đủ loại bệnh tật vốn
tiềm ẩn đầy rẫy ở chốn ma thiêng nước độc, môi trường mất vệ sinh. Để
cưỡng lại cơn tù quẫn, Tuệ gia tăng xin đểu, cướp, chấn. Đang lúc thất bát
chẳng có chủ hầm, chủ lán nào chịu nổi cảnh bị sách nhiễu nên hè nhau
chống lại, khiến cả Tuệ lẫn đàn em đều nhiều lần bị trọng thương. Đã vậy,
về Đà Nẵng điều trị thì sợ công an bắt, lại không đủ tiền nên chúng đành
liều chết trụ lại chốn rừng sâu nước độc. Mùa mưa năm ấy, số mồ vô danh