vì thế, Mông cận trở thành mục tiêu của lòng tham, gợi lên trong lòng bọn
đao búa vùng vàng ý định cướp hầm. Kẻ ra tay là nhóm Việt Long, quê
Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Lừa lúc Mông một mình từ bãi vàng về nhà ở thị
trấn Khâm Đức, Việt Long đã tổ chức “trải đệm” định thịt Mông. Đúng lúc
đó, Lê Văn Tuệ đi qua. “Dọc đàng thấy chuyện bất bằng chẳng tha”, Tuệ dù
không biết Mông cận là ai nhưng cũng múa sợi dây buộc chì xông vào cứu
Mông, đánh cho đám Việt Long tan tác. Cảm nghĩa, lại biết Tuệ tuy khét
tiếng vì chấn, dặt dẹo song chưa hề gây nợ máu, lại càng không phải hạng
kẻ cướp tiểu nhân, Mông cận đã vui vẻ mời Tuệ về đứng lán cho mình.
Đứng lán thực chất là giữ chức đốc công, vừa coi sóc thợ làm việc, vừa…
bảo kê ngăn chặn những kẻ tính cướp phá. Nghề này Tuệ khá thạo, lại đang
cơn bĩ cực nên gã nhận lời ngay. Từ 23.10.1998 đến 4.4.1999 là khoảng
thời gian thanh thản nhất của Tuệ ở bãi vàng. Đó là khoảng thời gian không
có giành giật, đấm đá, chỉ có lao động thật sự. Hàng ngày, Tuệ cũng đánh
trần đào đất, đãi đá, vừa làm vừa trông coi thợ, hùng hục và chu đáo như
một bác thợ cả thực thụ.
Trong thời gian đó, Tuệ không hề về quê thăm nhà, thăm mẹ. Nhưng
Mông cận thì có. Anh đã nhiều lần đem tiền, quà, thuốc men về Tiên Lộc,
Tiên Thọ thay Tuệ thăm hỏi, biếu mẹ của gã. Không những thế, Mông còn
bỏ nhiều thời gian tìm hiểu gia cảnh, ước mong của bà mẹ có đứa con hư
phiêu bạt giang hồ. Tuệ không hề hay biết rằng, sau nhiều lần thăm hỏi ấy,
giữa mẹ gã và Mông cận đã thỏa thuận một giải pháp: cưới vợ cho Tuệ. Đó
là cách duy nhất để buộc chân con ngựa bất kham. Khi hiểu ra mọi chuyện,
Tuệ đã khóc nhiều đêm. Lần đầu tiên, không hề có một vết thương, không
hề có một tiếng chửi nhưng Lê Văn Tuệ đã rơi nước mắt. Gã khóc vì tình
người, vì hàm ơn Mông cận và vì lần đầu tiên trong đời chợt đắng cay nát
lòng vì thương mẹ. Khi nghe lời Mông cận - giờ đây thực sự trong lòng Tuệ
đã coi Mông là một người anh - về thăm mẹ, Tuệ đã khóc thêm lần nữa. Mẹ
gã, 75 tuổi, tóc bạc lưng còng bộc bạch:
– Vàng bạc mà làm gì con ơi, trên đời chỉ nghĩa tình, gia đình là đáng
trọng!