Thấy uy tín của khối Đại Đông á đang bị rơi rụng dần, bọn Nhật trên đảo
và chính quyền Lê Văn Trà bèn tìm cách đối phó bằng cách thực hiện một
số cải cách dân chủ. 8 chiếc ghe bầu được gửi từ đất liền ra để rước đám tù
thân Nhật thuộc các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, Thiên Chúa giáo, Phật
giáo về. Trên đảo, Trà cho mở lại trường tiểu học và ra tờ báo “Tiếng nói tự
do”. Sợ tù Cộng sản sẽ biến tờ báo thành diễn đàn chống phát xít, Lê Văn
Trà đã giao cho Sơn Vương phụ trách. Sau khi nhận chức chủ bút, Sơn
Vương đã được đi lại khá tự do. Lấy lý do đảo đã được tự do, tù nhân cần
và được quyền biết tin tức, Sơn Vương đã thuyết phục được Lê Văn Trà
cho tù nhân được sửa lại một chiếc radio hỏng. Dù không muốn, song Lê
Văn Trà cũng không thể phản đối.
Dưới sự chỉ huy của Tôn Đức Thắng - người lính thợ nổi tiếng từng kéo
cờ phản chiến trên biển Hắc Hải trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất -
một tốp thợ tù đã sửa chữa xong chiếc radio, sau đó sửa luôn được một
chiếc canô hỏng. Qua sóng radio, tin cách mạng tháng Tám đã thành công,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập đã khiến cả đảo hồ hởi reo
mừng. Bọn gác ngục và bọn thân Nhật bắt đầu co vòi lại không dám lộng
hành.
Tối ngày 16.9.1945, tàu Phú Quốc và 32 ghe bầu chở theo 10 tấn gạo
tiếp tế của Cách mạng đã cặp bến Cỏ ống. Rạng sáng hôm sau, cờ đỏ sao
vàng đã phất phới bay rực cầu tàu Côn Đảo. Tham tá Lê Văn Trà nộp con
dấu của nhà tù cho chính quyền Cách mạng.
Sau một tuần lễ sửa chữa, đoàn tàu, thuyền lại quay mũi ra khơi. 1.800
chính trị phạm được giải thoát đưa về đất liền. Đến đầu tháng 12 năm 1945,
ủy ban hành chính Nam Bộ lại gửi một đoàn ghe ra Côn Đảo rước tù do
đồng chí Văn Cừ làm trưởng đoàn. Ngày 11.12.1945, dưới sự chứng kiến
của phái đoàn Văn Cừ, Lê Văn Trà đã đứng ra tổ chức một cuộc bầu cử dân
chủ trên đảo. 12 người trong đó có sáu giám thị, sáu tù nhân đã được bầu
vào bộ máy chính quyền mới. Ngày 15 tháng 12, ủy ban hành chính mới
của Côn Đảo chính thức được công bố, Sơn Vương Trương Văn Thoại
chính thức trở thành Chủ tịch ủy ban.