Theo qui định, án chung thân hồi đó được tính là 32 năm. Tổng cộng, đời
Sơn Vương đã 4 lần nhận án gồm 1 lần 5 năm, 1 lần 10 năm và hai án
chung thân (32 năm). Tính tổng cộng, ông phải nhận mức án những 79 năm
tù.
• • •
Mãi cho đến năm 1968, sau đúng 34 năm ngồi tù (từ 1933), Sơn Vương
mới được ân xá. Trước đó, năm 1967, tờ Tin Sáng và một số tờ báo đối lập
ở Sài Gòn đã liên tục đăng bài điều tra về chế độ hà khắc, phát xít của nhà
tù Côn Đảo. Cũng trong năm này, liên minh Thiệu - Kỳ đã đắc cử Tổng
thống và Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Để mị dân, Thiệu - Kỳ hứa
sẽ tìm hiểu và cải thiện điều kiện sinh hoạt ở Côn Đảo. Biết Sơn Vương
ngày xưa từng là một nhân vật khá có tiếng tăm, trong khi hiện tại gần 60
tuổi, đã sức tàn lực kiệt, không còn khả năng gây nguy hại cho bộ máy
quyền lực Việt Nam Cộng hòa, Thiệu - Kỳ quyết định giải thoát cho Sơn
Vương, hòng lấy lòng dân chúng. Ngày 18.11.1968, ông được phóng thích.
Thiệu - Kỳ đã điều hẳn một chiếc trực thăng quân đội bay ra đảo đón ông
về.
Trở lại đời thường, Sơn Vương được khá nhiều báo chí thời đó săn đón.
Thiên phóng sự Sơn Vương - người tù thế kỷ mà ông cho đăng feilleuton
trên một số báo chí chỉ khiến dư luận ồn ào được một thời gian ngắn. Chiến
tranh đang ngày một khốc liệt, người dân miền Nam còn nhiều chuyện
đáng để quan tâm hơn một số phận Sơn Vương.
Bị cuộc đời quên lãng, Sơn Vương lặng lẽ lui về sống ẩn dật ở một ngôi
nhà nhỏ trong con hẻm ngoằn ngoèo, nay là nhà số 137/52 Nguyễn Cư
Trinh, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh. Tại đó, ông mưu sinh bằng nghề bốc
thuốc Nam gia truyền. Căn nhà nhỏ có gác gỗ này do bà Phạm Thị Hoa -
người vợ gá nghĩa lúc tuổi đã xế bóng - tậu cho ông. Năm 1978, Sơn
Vương ly dị bà Hoa, tiếp tục gá nghĩa với Nguyễn Thị Tám, một người đàn
bà thua ông 30 tuổi.