cảm thấy thất vọng. Khó chấp nhận được là anh đã dùng chiếc lọ đựng côn
trùng và chiếc vợt để che mắt mọi người mà trốn đi với một người con gái.
Thế rồi một người làm công ở ga xe lửa tại S... nhớ lại rằng có một người
đàn ông đã xuống tàu. Người ấy có dáng dấp của một nhà leo núi, vai đeo
bình nước và chiếc hộp gỗ mà ông đoán là hộp đựng đồ vẽ. Người làm công
đó còn cho hay người đàn ông đi một mình, hoàn toàn chỉ có một mình, bởi
thế sự ước đoán về người con gái là không có cơ sở.
Giả thiết người đàn ông ấy chán đời nên đã tự tử cũng được nếu ra. Một
trong số các đồng nghiệp của người đàn ông, vốn là nhà nghiên cứu tâm lý
nghiệp dư đã đưa ra quan điểm này. Anh ta cho là một người đàn ông mà
còn đam mê trò giải trí vô bổ như sưu tầm côn trùng thì cũng đủ coi là một
bằng chứng cho hành vi điên khùng của hắn. Ngay ở cả trẻ con, sự chú tâm
khác thường vào việc sưu tầm côn trùng cũng đã biểu lộ một cách thường
xuyên cái mặc cảm Oedipus [1] rồi. Để bù lại những ham thích không bao
giờ thỏa mãn của mình, bọn nhóc thường thích thú lấy kim găm côn trùng
lại, khỏi phải lo chúng trốn thoát. Và thực tế cho thấy đứa trẻ khi lớn lên mà
không từ bỏ cái trò chơi đó là một dấu hiệu hoàn toàn chắc chắn chứng tỏ
tình trạng bệnh hoạn ngày càng xấu đi. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà
các nhà côn trùng thường rất say sưa với công việc thu lượm, và họ là
những người sống hết sức đơn độc, hay ăn cắp vặt và đồng tính luyến ái. Từ
đó, tự tử để giải thoát khỏi sự chán ngán với cuộc đời chỉ là một bước ngắn
thôi. Thực tế là thậm chí có những nhà sưu tầm bị cuốn hút bởi các chất hóa
học trong lọ của họ hơn là bản thân công việc sưu tầm, và dù có cố đến đâu
họ cũng không thể bỏ được công việc của mình. Người đàn ông này quả
thực chưa hề giãi bày với ai về những say mê của anh ta, và điều đó chứng
tỏ anh ta thấy mọi người đều đáng ngờ cả.
Tuy nhiên, vì chưa tìm thấy một tử thi nào, cho nên tất cả những giả
thuyết uyên bác trên đều không có cơ sở.