NGƯỜI ĐÀN BÀ VÀ NGƯỜI ĐÀN ÔNG CÓ CHIẾC LỒNG CHIM.
N
hâm nhi tách cà phê lúc nâng lên, lúc hạ xuống, khi thì nhấp nhấp, khi
lại đưa qua đưa lại mũi hít hà, anh thả hồn tận đẩu tận đâu ra chừng biết
thưởng thức lắm. Người ra vào quán nườm nượp anh cũng chả thèm để ý.
Ngồi tít trong góc, khuôn mặt nhoà vào bóng tối, chỉ thò ra vạt váy sẫm
màu, hoa tím, và chiếc dép hờ hững nơi cổ chân là còn nhìn thấy đủ để nhận
ra đấy là một người đàn bà. Anh thong thả rít từng hơi thuốc, những lọn
khói hình chữ o nối đuôi nhau từ mồm anh tuôn ra bao trùm cả khoảng
không trước mặt. Người đàn bà ngắm nhìn anh từ rất lâu, nhưng chị đâu có
ngờ anh cũng nhận ra sự có mặt của chị và quan sát chị khá kỹ. Chỉ có điều
anh không biết dụng ý của chị.
* * *
G
ần hai mươi năm sau ngày cưới, chị mới được hưởng sự ân ái của
người đàn ông, mới được sống đời vợ chồng. Gần hai mươi năm chị sống
trong khắc khoải, chờ mong nhiều lúc tưởng chừng không vượt qua nổi sự
cô đơn, lạnh lẽo. Gần hai mươi mùa xuân rủ nhau rời khỏi khuôn mặt của
chị, bỏ lại những nếp chân chim nơi đuôi mắt...
Kết quả của sự ái ân muộn mằn là đứa con bị bệnh đao bẩm sinh. Những
tưởng "hết cơn bĩ cực đến ngày cam lai", ngờ đâu ở tuổi về chiều chị lại vất
vả nuôi con một mình. Anh đã ra đi cũng vội vã như khi đến gặp và cưới
chị. Ngày ấy cả nước có chiến tranh, anh đến với chị không phải vì tình yêu
đôi lứa, chỉ đơn giản gia đình anh muốn anh để lại cho chị giọt máu của
mình, phòng khi... Chiến tranh chả biết thế nào. Mười người đi dễ có đến
quá nửa không trở về. Tối hôm cưới, anh chị ngồi bên nhau nói chuyện cho
tới sáng. Chị vẽ ra trong đầu viễn cảnh gia đình hạnh phúc ngày anh trở về,
ngày chiến tranh kết thúc.
Ngay lúc bình minh ló rạng, anh khoác ba lô lên, đi một mạch gần hai
mươi năm. Lúc anh trở về là thương binh loại đặc biệt cần có người chăm